Tin tức - Sự kiện

Nắng nóng vắt kiệt sức nông dân, chính quyền dồn sức cứu dân

Lần đầu tiên trong lịch sử, tỉnh Nghệ An ban hành quyết định công bố thiên tai vì hạn hán trong vụ hè - thu năm 2015 trên phạm vi toàn tỉnh. Vụ sản xuất hè - thu có nguy cơ mất trắng, cuộc sống của hàng triệu nông dân càng thêm khó khăn.

Hai tháng nay, nắng nóng gay gắt và gió Lào liên tục đổ lửa xuống mảnh đất xứ Nghệ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Lần đầu tiên trong lịch sử, tỉnh Nghệ An ban hành quyết định công bố thiên tai vì hạn hán trong vụ hè - thu năm 2015 trên phạm vi toàn tỉnh. Vụ sản xuất hè - thu có nguy cơ mất trắng, cuộc sống của hàng triệu nông dân càng thêm khó khăn.

Cây khô, người chết vì nắng nóng

Sáng 31.5, dù trời rất nắng nóng, bà Nguyễn Thị An (60 tuổi, trú tại xóm 9, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc) vẫn cố dậy sớm đi làm cỏ trên đồng lúa cách nhà khoảng 3km. Bà An không ngờ đây là buổi đi làm cuối cùng của đời mình. Khoảng 7h30’ cùng ngày, bà An ngất xỉu, gục ngã trên thửa ruộng. Hai tiếng sau, chồng con bà An mới được tin, chạy ra đưa đi cấp cứu, nhưng bà đã tử vong. Bà An vừa chết chưa an táng, thì vào sáng ngày 1.6, lại một cái chết thương tâm nữa xảy đến với một người cùng địa phương. 

 Sáng hôm ấy, ông Nguyễn Văn Liễu (51 tuổi, xóm 10) dậy từ 3h thu hoạch lạc. Trên cánh đồng nắng như đổ lửa, ông Liễu bị say nắng, choáng ngất, được sơ cứu xong ông lại tiếp tục làm. Bị ngất lần hai, ông được đưa vào trạm y tế cấp cứu nhưng không qua khỏi. Cả ông Liễu, bà An đều vốn khỏe mạnh, nhưng do làm việc vất vả dưới trời nắng trên 40oC, nên đã không thể chịu đựng nổi. “Mùa hè thì năm mô cũng nắng nóng, bà con nông dân cứ đi làm như thường. Nhưng nắng đến chết người như năm ni thì quả là hiếm có” - ông Nguyễn Văn Tiến (65 tuổi, xã Nghi Thạch) không giấu nổi kinh hoàng.

 Vạch những lá chè xơ xác trên những gốc chè chết khô vì nắng trong sự bất lực của nông dân, ông Bùi Văn Tiến, 63 tuổi, xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn chua chát: “Hơn 3 tháng nay không có mưa, do vậy cây chè không thể chịu đựng được. Cây chè này không thể cứu vãn được nữa, chè chết thì dân không biết làm thế nào”. Một số nơi khác, người dân tìm mọi cách để cứu chè như đào giếng, bơm nước tưới ngày đêm nhưng chi phí rất lớn và cũng không thể cầm cự được lâu. 

Ông Bùi Văn Tiến (xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn) bất lực trước vườn chè bị chết khô. Ảnh: HẢI BÌNHÔng Bùi Văn Tiến (xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn) bất lực trước vườn chè bị chết khô. Ảnh: HẢI BÌNH

Huyện Anh Sơn có đến 1.800ha chè đang bị khô hạn, đứng trước nguy cơ chết khô. Người trồng chè điêu đứng vì chè chết là mất cả chì lẫn chài vì phải mất nhiều năm sau mới có thể tái tạo được vườn chè cho thu hoạch. Trong khoảng thời gian đó, người nông dân không biết sống bằng cái gì. Trên phạm vi toàn tỉnh có đến 3.000ha chè thiếu nước, có nguy cơ chết khô.

Nông dân kiệt sức vì nắng nóng

Không riêng gì cây chè, mà tất cả các cây nông nghiệp khác cũng lao đao vì nắng hạn. Con Cuông, vùng chảo lửa cửa xứ Nghệ, lúa không gieo cấy được do thiếu nước; 135ha ngô, hơn 200ha chè, 150ha mía, 1.160ha sắn có nguy cơ khô héo, mất trắng. Theo kế hoạch, vụ hè thu này Nghệ An gieo cấy 56.000ha lúa, nhưng mới gieo cấy được 42.440ha, trong đó có trên 4.500ha đã bị chết khô. Ngoài ra, hàng chục ngàn hécta ngô, chè, mía và các loại cây trồng khác đang trong tình trạng khô cháy, không thể phục hồi do hạn hán.

Theo Sở NNPTNT Nghệ An, vụ hè - thu đang trong thời kỳ gieo cấy, nhưng nắng nóng kéo dài, gió tây nam thổi mạnh, nhiệt độ phổ biến từ 39 - 40oC và không có mưa. Tình hình thiếu nước khô hạn và xâm nhập mặn đã xảy ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống nhân dân, nhiều nơi dân không có nước sinh hoạt. 

Đa số các hồ chứa nước trên địa bàn mực nước đều xuống rất thấp (hiện mực nước các hồ chứa thấp nhất bằng 20% và cao nhất bằng 30% dung tích thiết kế); nhiều trạm bơm lấy nước dọc sông Lam không hoạt động được. Sông Lam, có tên khác là sông Cả, nghĩa là dòng nước lớn, nay cũng đang cạn kiệt, nhiều nơi người dân có thể lội qua dễ dàng. Tàu bè không đi lại được, cá tôm cũng biến mất. Hàng trăm hộ dân sống bằng nghề chài lưới bị thiếu đói. Ông Nguyễn Văn Tiến, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương than thở: “Chưa năm mô khốn khổ ra ni, nông dân chúng tôi kiệt sức rồi!”.

Dồn sức cứu dân

Trước tình hình thiên tai hạn hán gay gắt, toàn bộ hệ thống chính trị Nghệ An đã vào cuộc tích cực để chống hạn, cứu dân. Ngày 1.6, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cùng các cơ quan, ban ngành đã đi kiểm tra tình hình hạn hán và công tác chống hạn tại các địa phương, đơn vị thuộc vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và chỉ đạo bơm nước phục vụ sản xuất tại các vị trí khó khăn về nguồn nước. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc đã có công điện khẩn ngày 9.6 chỉ đạo các giải pháp đẩy mạnh chống hạn, phòng chữa cháy rừng, phòng, chống đuối nước cho trẻ em. 

Sở NNPTNT chỉ đạo Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam lắp đặt 3 tổ máy bơm 1.000m3/h tại trạm bơm sông Lam và đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt ở sông Cấm để nâng cao mực nước cho các trạm bơm thuộc huyện Nghi Lộc hoạt động và các biện pháp kỹ thuật khác nhằm khắc phục hạn hán. Các địa phương đã huy động lực lượng tích cực nạo vét kênh mương, bơm chuyền nước từ ngoài sông vào để cho các trạm bơm nội đồng hoạt động, lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến để tận dụng các nguồn nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, rà soát lại kế hoạch sản xuất hè - thu để gieo cấy tiếp cho phù hợp với điều kiện nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ.

Tuy nhiên, sức người có hạn không chống nổi với thiên tai, nguy cơ mất trắng vụ hè - thu đang ở ngay trước mắt, hàng triệu nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc tỉnh Nghệ An quyết định công bố thiên tai trên phạm vi toàn tỉnh cho thấy tính chất, mức độ gây ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn hán đối với dân sinh, đồng thời cũng cho thấy nền sản xuất nông nghiệp tại địa phương này đang phụ thuộc vào thiên nhiên, lợi nhuận thấp và nguy cơ rủi ro cao. Đó là những thách thức mới vô cùng gay gắt, khó khăn trước những diễn biến ngày càng khó lường của thiên nhiên.

* Title được biên tập đặt lại

Theo Báo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo