NATO - Nga đối thoại phá băng quan hệ nhưng không ai chịu "xuống nước"
Ngày 20/4, tại Brussels (Bỉ), Hội đồng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Nga đã triệu tập cuộc họp ở cấp đại sứ đầu tiên sau gần 2 năm gián đoạn. Đây là tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa 2 bên đang dần tan băng.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Nga và NATO đang trải qua giai đoạn mất lòng tin sâu sắc liên quan tới cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cuộc họp chính thức đầu tiên trong gần 2 năm giữa NATO và phái viên của Nga tới liên minh quân sự này đã nhấn mạnh bất đồng Đông-Tây sâu sắc liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và tương lai của an ninh châu Âu.
Theo ông Stoltenberg, các đồng minh NATO không công nhận Nga sáp nhập bán đảo Crimea và chỉ trích hành động vi phạm lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine.
"Tại cuộc họp, chúng tôi đã tái xác nhận bất đồng về những sự thật, diễn biễn và trách nhiệm tại Ukraine và xung quanh. Rất nhiều đồng minh không đồng tình khi Nga tìm cách miêu tả vấn đề này thành một cuộc nội chiến. Đây là Nga làm bất ổn Ukraine, cung cấp cho lực lượng ly khai sự hỗ trợ, đạn dược, tiền, trang thiết bị cũng như chỉ huy và kiểm soát. Đó là những bất đồng sâu sắc." - ông Stoltenberg phát biểu.
Về phần mình, Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko cho rằng không hề có bất kỳ sự cải thiện nào trong mối quan hệ giữa hai bên khi NATO vẫn chưa giảm các hoạt động quân sự sát biên giới với Nga. Đại sứ Grushko đã cáo buộc Mỹ tìm cách gây sức ép lên Moskva bằng cách triển khai hồi tuần trước tại biển Baltic một tàu khu trục tên lửa gần Kaliningrad, lãnh thổ Nga nằm giữa Ba Lan và Latvia.
Hội đồng Nga-NATO được thành lập tại hội nghị thượng đỉnh NATO - Nga tháng 5/2002 ở Rome (Italy) như một cơ chế để hai bên tham vấn, thỏa hiệp và cùng đưa ra quyết định chung về các vấn đề cùng quan tâm trên cơ sở đối tác bình đẳng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo