Ném tiền qua công trình, dự án
Chuyện đầu tư dàn trải, lãng phí vốn là vấn nạn gây nhức nhối dư luận lâu nay. Điều đáng nói là nhiều địa phương tuy còn rất khó khăn nhưng vẫn “xài sang” với những công trình hoang phí tiền tỉ, thậm chí cả ngàn tỉ đồng.
“Siêu lộ” đìu hiu
Kon Tum là một trong các địa phương thuộc diện nghèo nhất nước nhưng lại có hàng loạt công trình, dự án đầu tư lãng phí. Cuối năm 2009, con đường được xem là đẹp nhất Tây Nguyên, nối từ cửa khẩu Bờ Y đến Quốc lộ 14 ở phía Bắc thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi – Kon Tum được đưa vào sử dụng với tổng kinh phí đầu tư hơn 900 tỉ đồng.
Công trình này gồm đường NT18 dài 12,6 km, tổng vốn đầu tư 460,9 tỉ đồng và đường N5 dài 6,291 km, tổng kinh phí xây dựng 478,9 tỉ đồng.
Theo ngành GTVT tỉnh Kon Tum, đây là con đường cần thiết để phá thế độc đạo và làm giảm áp lực lưu thông trên Quốc lộ 40 từ thị trấn Plei Kần lên cửa khẩu Bờ Y, góp phần phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.
Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, “siêu lộ” có 6-8 làn xe, rộng 40-50 m này hầu như không có phương tiện qua lại. Người dân địa phương đã tận dụng con đường thênh thang này làm bãi phơi nông sản, lội bộ lên nương rẫy, tập lái ô tô, xe máy...!
Hiện nay, xe cộ từ các nơi lên cửa khẩu Bờ Y đều đi theo Quốc lộ 40 bởi thuận đường và tiện lợi. “Trong khi Quốc lộ 40 chật hẹp, nhiều đoạn chỉ rộng chừng 4 m lại xuống cấp nhưng người ta vẫn đi, còn con đường này được đầu tư xây dựng gần 1.000 tỉ đồng mà vẫn đìu hiu 2 năm nay thì quả thật rất lãng phí” - ông Đinh Bắc, ngụ thị trấn Plei Kần, ngao ngán.
Nói về các dự án đầu tư gắn với Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum, thừa nhận: Nhiều công trình hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ đồng khi thuyết minh để đầu tư đều nêu những lợi ích lớn nhưng lúc hoàn thành thì hiệu quả sử dụng không cao.
Hiện Kon Tum đang triển khai dự án đường nối từ Quốc lộ 40 lên cột mốc ngã ba biên giới Lào - Campuchia - Việt Nam với tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng. Đây là con đường ngoằn ngoèo, nằm trên sườn đồi trọc, không có dân cư. Đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng khi hoàn thành, con đường này cũng sẽ chủ yếu phục vụ việc lên nương rẫy của dân địa phương mà thôi.
Xót xa công trình tiền tỉ
Tại Quảng Ngãi, cuối năm 2011, công trình cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ với mức đầu tư hơn 90 tỉ đồng đã được nghiệm thu đưa vào hoạt động. Thế nhưng, đến giữa tháng 2-2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lập đoàn thanh tra để làm rõ trách nhiệm những tập thể, cá nhân liên quan vì dự án này không hiệu quả.
Hằng năm, cứ sau Tết là cửa biển Mỹ Á lại bị bồi lấp, ngư dân địa phương phải quần quật nạo vét thủ công để tàu thuyền có thể ra vào. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt của ngư dân, năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư trên 90 tỉ đồng để xây dựng công trình cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á. Theo thiết kế, khi đưa vào sử dụng, công trình sẽ bảo đảm cho 400 tàu cá ra vào cửa biển và neo trú an toàn.
Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành, cửa biển Mỹ Á vẫn bị bồi lấp nên tàu thuyền chưa thể ra vào. Thay vì vào cảng để bán hải sản và tiếp nhiên liệu, hàng trăm tàu cá của ngư dân phải neo đậu chen chúc ngay cửa biển.
Lão ngư Nguyễn Xếch, vạn trưởng vạn chài thôn Hải Tân, xã Phổ Quang, không thể nhớ nổi bao nhiêu tàu cá mắc cạn và bị chìm vì phải neo đậu bên ngoài. “Hiện chỉ còn khoảng 150 tàu quay về cửa biển, hơn 250 tàu khác phải vào neo trú ở những nơi khác” – ông Xếch cho biết.
Gần đây, ngư dân lại gọi nhau đóng góp tiền thuê máy múc, xe ủi và xe tải để nạo vét cửa biển Mỹ Á. “Ngư dân tụi tôi đành phải bấm bụng góp 500.000 – 1,5 triệu đồng mỗi tàu nhưng vẫn không thấm vào đâu. Không biết chừng nào mới thông được cửa biển này” - ông Xếch rầu rĩ.
Khu xử lý rác triệu đô “trùm mền”
Đầu năm 2011, Khu Xử lý rác Lộc Thủy ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được xây dựng hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Công trình này có mức đầu tư 3,42 triệu USD, thuộc dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung, có thể xử lý 150 tấn rác/ngày, hiện đã bàn giao cho Công ty TNHH Môi trường - Công trình đô thị Huế quản lý.
Theo ông Lê Chí Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Phú Lộc, để sớm đưa nhà máy này vào hoạt động, Công ty Môi trường - Công trình đô thị Huế đang phối hợp với huyện Phú Lộc thực hiện đề án thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt đến đây. Theo đề án, mỗi hộ dân phải chịu phí vận chuyển rác từ nhà đến điểm tập trung với mức 7.000-11.000 đồng/tháng; chính quyền địa phương sẽ chịu phí vận chuyển từ điểm tập trung về Nhà máy Xử lý rác Lộc Thủy.
“Tuy nhiên, người dân địa phương từ lâu đã quen với việc tự xử lý rác nên chuyện thu phí là rất khó” - ông Dũng lo ngại. Ước tính mỗi ngày, huyện Phú Lộc có 22 tấn rác thải các loại, trong khi Khu Xử lý rác Lộc Thủy vẫn “trùm mền” nên dẫn đến việc quá tải ở các bãi rác tạm.
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ra mắt liên minh đổi mới đối tác AI tạo sinh
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Đà Nẵng: Liên tiếp xử phạt bán hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng tại quận du lịch trọng điểm
Nền tảng ngân hàng số cho doanh nghiệp
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông