Nên bỏ tư duy nhất nhì thế giới
Đó là ý kiến của TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đưa ra tại Diễn đàn Xuất khẩu năm 2014 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM tổ chức ngày 12-9.
Tăng chất lượng và giá trị
Sau 7 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng từ 84,7 tỉ USD lên 264,4 tỉ USD (năm 2013). Trong đó, xuất khẩu tăng từ 39,8 tỉ USD lên mức 132,1 tỉ USD. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam mở rộng đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở 5 thị trường lớn: EU, Mỹ, Nhật, ASEAN và Trung Quốc.
Dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh về số lượng và giá cả, nhất là sản phẩm nông nghiệp, nên rất rủi ro về thị trường. Hơn nữa, sản phẩm xuất khẩu hầu hết mang tính chất gia công, lắp ráp công đoạn cuối cùng nên giá trị gia tăng thấp, mất dần lợi thế của thị trường lao động rẻ.
Hiện nay, việc tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA Việt Nam đang đàm phán như Việt Nam - EU; Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan; FTA song phương với Nhật, Hàn Quốc; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015... tạo ra cơ hội rất lớn cho hàng Việt. Theo các chuyên gia kinh tế, từ năm 2016 trở đi, khi các FTA hoàn tất đàm phán, mức thuế quan chỉ còn 0%-5%, những sản phẩm nhập khẩu tràn vào, sẽ không còn ranh giới thị trường nội địa và nước ngoài khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn.
Theo TS Trần Du Lịch, lúc này, doanh nghiệp (DN) Việt cần quên đi thời kỳ sản xuất ra 2 loại sản phẩm để bán riêng cho thị trường nội địa hoặc xuất khẩu mà phải tạo ra một sản phẩm chung cạnh tranh ở tất cả các nước. Thách thức là phải làm sao kiểm soát được chất lượng và giá thành mà vẫn có thể cạnh tranh được với hàng nhập. Chẳng hạn, sau bao nhiêu năm, hiện nông sản Việt Nam vẫn xuất thô, bị ép giá mỗi khi cung vượt cầu. Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn gạo mỗi năm nhưng giá trị không bằng Thái Lan, dù sản lượng của họ ít hơn.
“Lỗi lớn nhất của Việt Nam là tăng số lượng mà không tăng giá trị, như cà phê xuất khẩu nhiều đến mức thừa mứa, phá giá của chính mình. Tư tưởng “tự sướng” về vị trí nhất, nhì thế giới cần phải bỏ, bởi đứng thứ mấy không quan trọng. Trong chiến lược xuất khẩu cần đi vào chất lượng và nâng giá trị. Chạy theo số lượng là tự giết mình” - ông Lịch nhấn mạnh.
Tìm cách vượt rào cản
Ông Nakjima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM, cho rằng DN Việt muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật cần lưu ý vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm bởi người tiêu dùng Nhật rất chú trọng khâu này.
Gần đây, sau vụ bê bối liên quan đến thịt gà Trung Quốc, cơ quan chức năng Nhật đã nâng mức độ kiểm tra lên nghiêm khắc hơn đối với thực phẩm nhập khẩu. Trong khi đó, các sản phẩm của Việt Nam như tôm thường vướng tồn dư thuốc kháng sinh ethoxyquin, cá trứng đông lạnh bị nhiễm sinh vật lạ... “Quan trọng nhất là lấy lại niềm tin của người tiêu dùng Nhật. Chính phủ Việt Nam và các nhà sản xuất cần nghiên cứu, hợp tác tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng hàng nông thủy sản” - ông Nakjima Satoshi đề nghị.
Với thị trường Hàn Quốc, DN Việt có thể đưa hàng xâm nhập thông qua các nhà đầu tư đang có mặt tại Việt Nam. Chẳng hạn, Tập đoàn Lotte đang có 9 siêu thị tại Việt Nam. Khi DN đưa hàng vào siêu thị này thành công, đồng nghĩa với việc có cơ hội xuất khẩu hàng qua 109 siêu thị Lotte tại Hàn Quốc và các siêu thị của tập đoàn này ở Trung Quốc, Indonesia...
Theo ông Herb Cochran, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), năm ngoái, Tập đoàn Walmart đã lập văn phòng đầu tiên ở Việt Nam và đang tìm kiếm nhà cung cấp đưa hàng vào chuỗi hệ thống của họ. “Walmart đưa ra quy tắc, nguyên tắc rất cụ thể để hàng hóa các nước có thể vào được hệ thống. Với doanh số thường niên 466 tỉ USD và 10.800 cửa hàng tại 27 quốc gia, tập đoàn này làm việc tất cả trên hệ thống điện tử. DN Việt muốn gia nhập thị trường Mỹ cần biết và thích nghi với cách làm này” - ông Cochran thông tin.
Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Intimex - cho biết hồ tiêu Việt Nam hiện chiếm 50% thị trường toàn cầu, cà phê cũng xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng vẫn gặp khó khăn. Sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt nhưng quá ít người biết tới. “Khi tôi đến Brazil, sứ quán nào cũng có hình ảnh quảng bá cho cây cà phê, sản phẩm cà phê nhưng Việt Nam chưa có. Vấn đề là phải tổ chức quảng bá, xúc tiến cho hàng Việt như thế nào ở thị trường quốc tế” - ông Nam đặt vấn đề.
Công nghiệp phụ trợ quá yếu
Ông Lê Hồng Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP gỗ Đức Thành, chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em bằng gỗ - cho biết ngoài gỗ còn cần nhiều phụ liệu khác để tăng giá trị sản phẩm, làm mẫu mã đa dạng hơn. Song, do ngành công nghiệp phụ trợ trong nước quá yếu, không tìm được phụ liệu hợp lý nên DN buộc phải nhập ở Thái Lan. Điều này đẩy giá thành sản phẩm lên gấp 3-4 lần và Đức Thành bị giảm sức cạnh tranh với DN Thái.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững