Nên chăng tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn?
Được tiếng là thanh khoản dư thừa, nhưng do lãi suất tiết kiệm giảm nhanh nên khách hàng cũng chỉ chọn gửi kỳ hạn ngắn (vốn huy động ngắn hạn chiếm đến 85% tổng huy động của ngân hàng).
Chính vì vậy, các ngân hàng rất khó có thể đẩy mạnh vốn cho vay trung, dài hạn, bởi theo quy định hiện hành, các NHTM chỉ được sử dụng tỷ lệ 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Hết room tăng tín dụng trung, dài hạn
Vẫn biết cho vay vốn trung, dài hạn có lãi suất cao hơn nên chêch lệch giữa lãi suất đầu ra và đầu vào cũng tăng tương ứng, nhưng theo lãnh đạo các nhà băng, muốn đẩy mạnh vốn cho vay, trung dài hạn lúc này là rất khó.
Nguyên nhân bởi tỷ lệ huy động vốn hiện tại chủ yếu là ngắn hạn, trong khi lại có chốt chặn 30% nên hạn mức để tăng tín dụng đối với loại hình này rất hạn chế. Trong khi đó, trước tình hình tín dụng DN khó khăn hiện nay, các ngân hàng chủ yếu đẩy mạnh cho vay cá nhân, nhất là ở lĩnh vực bất động sản, với thời hạn vay lên đến 15 - 20 năm.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho rằng, dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm chủ yếu nhờ đóng góp từ khối khách hàng cá nhân, hộ gia đình và tiểu thương.
Trong đó, các khoản tín dụng cho cá nhân vay mua nhà có thời hạn dài, nhưng nhu cầu khách hàng tăng, nhất là trước tình hình thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên, nên lãnh đạo Sacombank kiến nghị NHNN xem xét tăng mức sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn tại Sacombank đến cuối tháng 9/2104 là 30%, cho vay ngắn hạn là 50%.
Tại DongA Bank, tính đến cuối tháng 9/2014, tỷ lệ vốn cho vay trung, dài hạn chiếm 45% tổng dư nợ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo DongA Bank, room còn lại để cho vay trung, dài hạn không nhiều, vì nguồn vốn huy động tiết kiệm vẫn chủ yếu kỳ hạn ngắn, đồng thời Ngân hàng không thể cho vay vượt tỷ lệ 30%.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, hiện vốn cho vay trung, dài hạn của ACB chiếm 47% tổng dư nợ tính đến cuối tháng 9, vì hầu hết cho vay cá nhân là trung và dài hạn.
“Theo luật định, các NHTM chỉ được sử dụng tỷ lệ 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, nên ACB sẽ rất hạn chế cho vay kỳ hạn dài. Vốn huy động ngắn hạn chiếm đến 85% tổng vốn huy động của Ngân hàng nên chỉ còn room 10.000 tỷ đồng để cho vay trung, dài hạn. Bởi hiện vốn mua trái phiếu cũng là vốn đầu tư trung, dài hạn. Trong khi tái cấp vốn của NHNN cho các NHTM chủ yếu là ngắn hạn nên vốn trung, dài hạn rất hạn chế”, ông Toàn nói và cho rằng, cần xem xét nới tỷ lệ cho phép sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Trên thực tế, nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng trước bối cảnh lãi suất tiết kiệm không ngừng giảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, lựa chọn của khách hàng khi gửi tiền vẫn là kỳ hạn ngắn, với kỳ vọng nắm bắt cơ hội khi có thời cơ kinh doanh. Tại Vietcombank Chi nhánh TP. HCM, tổng vốn huy động đến cuối tháng 9/2014 tăng 13,5%, nhưng trong đó vốn huy động ngắn hạn chiếm đến 79%.
Những ách tắc trên cũng là lý do khiến lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn chưa được các ngân hàng điều chỉnh giảm với mức cho vay bình quân hiện nay vẫn khoảng 11%/năm.
“Bóc ngắn cắn dài”, nguy cơ nợ xấu tăng?
Trong khi các NHTM kiến nghị muốn được nới tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thì một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng, một trong những rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt hiện nay chính là vấn đề thanh khoản, khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn và phải bù đắp trong việc cho vay trung, dài hạn. Trong khi dư nợ cho vay, nhất là với vốn cho vay trung, dài hạn, hiện không dễ thu hồi và nợ có khả năng mất vốn đang tăng nhanh.
Thực tế cho thấy, trong 2 năm qua, khi nợ xấu tăng nhanh, nhất là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), các NHTM không dám đẩy mạnh vốn cho DN vay trung, dài hạn, mà chủ yếu là vốn ngắn hạn. Tuy nhiên, do dư nợ tín dụng DN khó tăng, các ngân hàng quay sang đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân. Trong đó, khách hàng cá nhân tập trung lớn vào tín dụng cho vay mua nhà, nhưng chủ yếu muốn vay kỳ hạn dài.
Trong số hơn 10 ngân hàng công bố đầy đủ báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014, đa phần đều có rủi ro thanh khoản khi các nguồn huy động trung dài hạn không đủ cho vay kỳ hạn này và phải bù đắp từ nguồn huy động ngắn hạn.
Vốn huy động của ngân hàng phần lớn đều có kỳ hạn ngắn (dưới 1 năm). Trong đó, BIDV có tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm hơn 99% tổng nguồn huy động vốn.
Một số ngân hàng khác như ACB, Eximbank, ABBank, NCB, Techcombank, tỷ lệ này cũng ở ngưỡng 98%.
Riêng tỷ lệ huy động ngắn hạn của một số NHTM khác như Sacombank, Vietinbank dưới 90%, MBB đạt 79% tổng huy động từ khách hàng.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã cho vay số lượng đáng kể vốn trung, dài hạn, vượt ngưỡng cho phép 30% theo quy định tại Thông tư 15/2009/TT-NHNN.
Không chỉ riêng rủi ro thanh khoản, các ngân hàng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thu hồi và xử lý nợ, trong khi nợ xấu vẫn gia tăng.
Chỉ riêng tại TP. HCM, nợ xấu của các NHTM trên địa bàn tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm 2014, nhất là từ khi áp dụng các quy định phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro theo quy định của Thông tư 09. Đến cuối tháng 8/2014, nợ xấu của NHTM trên địa bàn Thành phố tăng gần 25.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Đại diện Agribank Chi nhánh Sài Gòn cho biết, khó khăn lớn nhất của Ngân hàng hiện nay là khâu xử lý và thu hồi nợ. Bởi Ngân hàng cho vay với tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản, song hiện thị trường bất động sản (chủ yếu cho vay vốn trung, dài hạn) còn nhiều khó khăn, không ít chủ đầu tư không còn khả năng trả lãi chứ chưa nói trả vốn.
Vì thế, theo đại diện của Argibank Sài Gòn, cần có biện pháp hỗ trợ các DN lĩnh vực này thì ngân hàng mới tháo gỡ được khó khăn về nợ xấu.
Mặc dù nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, nhưng theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, việc xử lý còn nhiều khó khăn. Đó cũng là hạn chế trong quá trình phát triển tín dụng, vì khi xử lý nợ xấu chậm, nhân viên tín dụng sẽ chùn tay.
Các NHTM cho biết, kể cả việc bán nợ xấu cho VAMC cũng gặp không ít khó khăn khi công ty này chỉ mua những khoản nợ xấu có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên và có tài sản đảm bảo tốt. Đồng thời, sau khi bán nợ xấu, các ngân hàng vẫn phải trích dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu đặc biệt nhận lại từ VAMC.
Trước thực trạng hiện nay, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Chính phủ nên chỉ đạo NHNN có hướng xử lý tài sản đảm bảo chứ không đợi sửa Luật. Vì nếu không làm vậy, VAMC cũng bó tay, bởi không bán được nợ thì không có điều kiện mua thêm.
Tuy nhiên, theo ông Lịch, để có thể giảm được lãi suất cho vay trung, dài hạn, các NHTM cũng cần xem xét giảm margin lợi nhuận trong cho vay xuống thêm khoảng 1%, thay vì mức 3,5 - 4%/năm hiện nay.
Còn về chốt chặn 30% vốn ngắn hạn có thể cho vay trung, dài hạn, TS. Trần Du Lịch cho biết, ông cũng sẽ cùng các thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia có ý kiến với phía NHNN xem xét về vấn đề này.
Theo ĐTCK
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Cột tin quảng cáo