Tin tức - Sự kiện

Nên sớm có Luật Đầu tư công

Trao đổi với báo chí ngày 8/6, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nói: Nên sớm có Luật Đầu tư công để vốn Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực sự có hiệu quả…

Ông Phùng Quốc Hiển nói: Hiện nay, các tập đoàn kinh tế đều có ban kiểm soát, nhưng ban kiểm soát đó có làm mạnh không, có thực sự tương đối độc lập so với quyết định của hội đồng quản trị và ban lãnh đạo, giám đốc không?

 

Cũng có cơ chế như tự kiểm toán, nhưng phải tự kiểm mình. Nội bộ các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải tự kiểm soát và phải có cơ chế kiểm soát nội bộ tốt, rồi mới đến cơ chế kiểm soát của các cơ quan chức năng như kiểm toán, thanh tra.

 

Quy mô đầu tư công tiếp tục tăng lên, nhưng lĩnh vực này đang có yếu kém?

 

Đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư của toàn xã hội, nhưng xu thế phải giảm dần. Thực tế cho thấy, nếu tỷ trọng đầu tư của toàn xã hội giảm, thì đầu tư công cũng giảm.

 

Như vậy, đầu tư công sẽ tập trung hơn và đi vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không thể tham gia, chẳng hạn đầu tư vào hàng hóa công cộng. Đầu tư công phải nhường dư địa cho các thành phần kinh tế khác, nếu như lĩnh vực đó các nền kinh tế khác có thế mạnh. Đầu tư công cũng phải tính toán hiệu quả, đồng thời mang tính chất xúc tác.

 

Theo ông, có nên cho ra đời Luật Đầu tư công như nhiều đại biểu kiến nghị?

 

Chúng ta đã có những luật như Luật Ngân sách, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đô thị... nhưng nên có Luật Đầu tư công. Phạm vi điều chỉnh là những khoản đầu tư vốn của Nhà nước vào các lĩnh vực kinh tế; quản lý đầu tư, đánh giá hiệu quả đầu tư…

 

Bây giờ có xu thế chung là đánh giá hiệu quả đầu ra, vì nhiều khi chúng ta cứ đầu tư, nhưng không đánh giá hiệu quả là gì sau khi đầu tư.

 

Luật Đầu tư công phải đưa ra những vấn đề như thế và Chính phủ đã bắt đầu nghiên cứu về đạo luật này. Đây là đạo luật tương đối khó, nên nhiều lần đưa ra nhưng lại hoãn để tiếp tục nghiên cứu thêm. Theo tôi, nên sớm cho ra đời luật Đầu tư công.

 

Ngoài ra, có thể còn có Luật Mua sắm công. Hiện tại, chúng ta mua sắm công nhiều, lượng tiền rất lớn nhưng chưa có đạo luật nào điều chỉnh chi tiết, mặc dù đã có luật liên quan. Luật này phải điều chỉnh cụ thể, chi tiết, đảm bảo chi tiêu hiệu quả.

 

Cảm ơn ông.

 

Theo TP

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo