Nếu không có đột biến, CPI có thể thấp hơn mục tiêu đề ra
Thông tin từ Cổng thông tin Bộ Tài chính, qua phân tích số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI 6 tháng đầu năm 2015 có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 lại đây. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,1% (trong đó CPI tháng 1/2015 giảm 0,2%, tháng 2 giảm 0,05%, tháng 3 tăng 0,15%, tháng 4 tăng 0,14%, tháng 5 tăng 0,16%, tháng 6 tăng 0,35% so với tháng trước). CPI tháng 6/2015 tăng 0,55% so với tháng 12/2014. CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%.
Bộ Tài chính phân tích, nếu xét theo cơ cấu nhóm hàng thì so với cùng kỳ năm 2014, CPI 6 tháng đầu năm 2015 tăng cao nhất ở nhóm Giáo dục (tăng 8,30% do giá dịch vụ giáo dục điều chỉnh tăng tại một số địa phương trong nửa cuối năm 2014 nên mặt bằng giá dịch vụ giáo dục 6 tháng đầu năm 2015 cao hơn so với cùng kỳ năm 2014), tiếp đến là nhóm May mặc, mũ nón, giày dép (tăng 3,43%), Hàng hoá và dịch vụ khác (tăng 3,16% do các mặt hàng trong nhóm có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm trước); 2 nhóm Giao thông, Nhà ở và vật liệu xây dựng có CPI giảm mạnh (lần lượt là -12,76%, -2,33%) do giá nhiên liệu có xu hướng giảm liên tục trong những tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015, đã giữ CPI chung tăng thấp so với các năm trước. So với tháng 12/2014, nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng CPI cao nhất là 1,72%, nhóm Giao thông giảm 1,91% do giá dầu giảm mạnh so với cuối năm trước.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, CPI trong tháng 6/2015 tăng 0,55% so với tháng 12/2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước đều là các mức tăng thấp nhất của chỉ số CPI trong tháng 6 kể từ năm 2001 đến nay. Như vậy, tốc độ lạm phát trong vòng 1 năm qua đang có xu hướng giảm mạnh. Nền kinh tế hiện đang ở tương đối gần mức lạm phát 0%, đồng thời lại đang ở rất xa mức lạm phát mục tiêu là 5%.
Các chuyên gia kinh tế cùng chung nhận định khi cho rằng, tình trạng lạm phát thấp không phải bây giờ mới xuất hiện. Tốc độ lạm phát của tháng 12/2014 so với cùng kỳ năm trước giảm xuống mức 1,84%, vấn đề lạm phát thấp đã được đặt ra.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác quản lý, điều hành giá cả tiếp tục đạt những kết quả tích cực, góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng tăng thấp ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm ở mức 5% như Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Nhận định về tình hình ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã rất thành công trong kiềm chế lạm phát từ mức 19,89% năm 2008 đã kéo xuống mức thấp 4,3% năm 2014 và 1% 6 tháng đấu năm 2015 so với cung kỳ và tăng bình quân 0,86%.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, một trong những trụ cột quan trọng của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đó là kiểm soát lạm phát. Kể từ năm 2007 đến 2011 vấn đề lạm phát đã trở nên nóng bỏng và là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, một trong những thành công được ghi nhận trong 3 năm 2012, 2013 và 2014 là chúng ta bước đầu đã kiểm soát được lạm phát.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo nếu 6 tháng cuối năm không xảy ra những biến động đột xuất (lũ bão, dịch bệnh...) thì chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2015 có khả năng thấp hơn mục tiêu đề ra.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, chỉ tiêu chủ yếu 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy chỉ số CPI 6 có xu hướng tăng vào những tháng cuối năm tuy nhiên chưa đối ổn định. Sự thay đổi khác thường của CPI so với các chỉ tiêu kinh tế khác cho thấy nền kinh tế Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước kém ổn định. Do đó, để tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong những tháng tiếp theo, cần theo dõi sát diễn biến của thị trường; kiểm soát giá cả, tỷ giá và quản lý thị trường.
Đối với giá một số hàng hóa là đầu vào thiết yếu của sản xuất như điện, than, phân bón và giá các dịch vụ y tế và giáo dục, cần điều hành giá linh hoạt, tránh dồn vào cùng một thời điểm sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước. Bởi vì, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi tham gia vào tiến trình hội nhập ngày càng sâu do năng lực cạnh tranh thấp, thương hiệu sản phẩm yếu và uy tín doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện.
Bên cạnh đó, tình hình cung, cầu trên thị trường thế giới còn nhiều biến động phức tạp gây áp lực cạnh tranh cho xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, để đảm bảo cho nền kinh tế khởi sắc cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường, khích thích sản xuất, tiêu dùng mới có thể kỳ vọng những tháng cuối năm nền kinh tế mới có thể hồi phục vững chắc chắn.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dự báo lạm phát năm nay ở mức từ 2,5%- 2,7% là mức lạm phát thấp và khả năng đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội dưới 5% là hoàn toàn khả thi.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo năm 2015, mức lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức khoảng 4%. Trong điều kiện lạm phát năm tới dự báo như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế - cho rằng cần xem xét đến việc điều hành một số mặt hàng do nhà nước quản lý giá. Cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh,mức độ điều chỉnh các loại giá, như y tế, giáo dục, điện, xăng dầu… cho phù hợp để tránh tác động cộng hưởng trong cùng thời điểm đến nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025