Theo ThS Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, việc quản lý ông đồ là cần thiết nhưng cần nghiêm khắc để tránh tình trạng "vỡ bờ" như năm trước.
Để tránh tình trạng lộn xộn đã xảy ra trong hoạt động cho chữ ở khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm nay, các nhà quản lý cho biết sẽ thẩm định chất lượng chữ viết của ông đồ cùng việc yêu cầu tất cả các ông đồ vào khu vực hồ Văn... Theo ThS Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, việc quản lý ông đồ là cần thiết nhưng cần nghiêm khắc để tránh tình trạng "vỡ bờ" như năm trước.
Cứ xin chữ là đáng trân trọng
Anh đã từng đi cho chữ ở khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám?
Cách đây nhiều năm, tôi cùng một số anh em trẻ đã từng ra vỉa hè Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho chữ dịp Tết. Đây là hoạt động tự phát, viết với phương châm "vui là chính". Những năm sau này, người ta tổ chức đào tạo các cụ và hình thành nên "phố ông đồ" bây giờ. Năm ngoái, phố ông đồ được di dời vào khu vực hồ Văn, có hình thức thu thuế.
Các anh viết "vui là chính" nhưng chắc cũng có thu tiền?
Tiền phần nhiều ăn theo giấy. Ví dụ, giấy điệp, giấy dó mà khổ to thì sẽ đắt hơn. Ngoài giấy điệp, giấy dó còn có giấy xuyến chỉ nữa. Nhưng như đã nói, vì viết theo cảm hứng và lấy "vui là chính" nên cuối buổi mấy anh em lại rủ nhau đi uống rượu. Tiền viết chữ đủ tiền uống rượu, không dư ra nhiều. Mọi người nên nhìn nhận yếu tố "tiền" ở đây thế này: Để viết được chữ, người ta cũng phải nhiều năm khổ công luyện bút. Nói "bán" chữ cũng không sai, vì có thu tiền. Nhưng thực ra, trong hoạt động này, có tặng, có thu tiền; đó là chuyện của người nghệ sĩ và hoạt động kinh doanh.
Anh thường tặng chữ trong những dịp thế nào hoặc với đối tượng nào?
Rất đơn giản. Chẳng hạn bạn bảo tôi viết cho bạn chữ A, nhưng tôi nhìn bạn, nói chuyện với bạn, tôi nói "tôi thích câu này cơ" và viết tặng bạn. Đó là cảm hứng. Viết ở Văn Miếu hay ở đâu cũng vậy. Có những người bạn nhắn qua mạng nhờ tôi viết chữ. Có người tôi quen, có người tôi không biết họ. Một anh nhà báo có lần bảo tôi viết cho anh một chữ. Tôi bảo "em viết cho anh chữ LONG cho nó hưng thịnh". Anh ấy cười và bảo "anh chịu chú". Thì ra, anh ấy tên là Long. Mà tôi không hề biết tên anh ấy đâu. Những lúc như thế không có chuyện tiền nong.
Tôi thấy nhiều người không hiểu về chữ Hán, cũng không thực sự yêu thích thư pháp, thấy người ta xin chữ thì cũng xin. Quanh đi quẩn lại xin chữ chỉ toàn "Tâm" với "Nhẫn", "Đức", rất nhàm.
Tôi cho rằng cứ xin chữ là đáng trân trọng rồi. Khi người ta xin chữ TÂM, theo cảm nhận của tôi, người ta cũng đau đáu về chữ TÂM. Người biết chữ Hán rất ít, nhưng cái âm của Hán Việt thì ai cũng biết. Khi trẻ em xin chữ, tôi càng thấy có giá trị. Các em thường xin chữ ĐĂNG KHOA, thậm chí có em xin chữ THI ĐỖ. Nôm na luôn như thế. Chúng hy vọng điều may mắn từ những con chữ xin được. Tôi thấy điều đó rất tốt. Sự nhàm chán thường chỉ ở phía người viết.
Người viết thấy nhàm?
Những năm gần đây, tôi có tham gia viết chữ trong nhà Thái học. Bạn thử tưởng tượng, mấy ngày Tết, cứ "Nhẫn, Tâm, Đăng Khoa", liên tục như vậy. Viết không ngẩng mặt lên được. Kết thúc một ngày, tôi trẻ khoẻ mà còn mỏi nhừ cả người, huống chi những người luống tuổi.
Thách thức trong quản lý
Vừa có cuộc họp báo về siết chặt quản lý phố ông đồ dịp Tết. Anh có cho rằng việc quản lý như Ban tổ chức công bố là cần thiết?
Tôi cho rằng, quản lý là cần thiết nhưng thách thức rất lớn. Riêng chuyện thẩm định trình độ đã khó rồi bởi ai sẽ là người thẩm định? Làm sao biết được cụ đồ có bao nhiêu chữ? Tôi thấy năm nào trước Tết báo chí cũng nhảy vào, nhà quản lý hứa hẹn thế kia, nhưng sau đó tất cả diễn ra vẫn thế, dậm chân tại chỗ. Nhà quản lý cứ vùng vẫy và chỉ loay hoay dàn xếp cái vỉa hè.
Anh có thể nói rõ hơn về điều này?
Tại Văn Miếu, người ta cứ dẫm lên bãi cỏ, lên vườn hoa, xả rác... trong khi đã có quy định không được dẫm lên cỏ, hoa... Nhiều chuyện không kiểm soát được vì người dân đông quá, cứ tràn ra. Năm ngoái, sau Tết, sự lộn xộn rất rõ. Nào dịch vụ gửi xe, vẽ vời, bán hàng, ăn uống... mọi người vượt rào, lộn xộn và làm tan nát cả vỉa hè đẹp của Văn Miếu. Năm nay nếu không cẩn thận sẽ lại "vỡ bờ" như năm trước.
Còn chuyện cụ đồ tự ý nhổ lều ra ngoài nữa chứ!
Đúng vậy. Lộn xộn và mất kiểm soát! Chuyện cụ đồ viết chữ cũng nhiều vấn đề. Nhiều cụ tuổi đời cao nhưng tuổi nghề ít, chữ viết xấu và kém, chưa đủ tầm để ra viết chữ. Ngay cách cầm bút đã sai rồi. Chuyện xin chữ "tác" viết chữ "tộ" là có.
Vậy nên năm nay theo thông báo mới có chuyện thẩm định các cụ.
Tuyển chọn và phát thẻ cho các cụ là cần thiết và đúng đắn. Tôi chỉ băn khoăn là tuyển chọn như thế nào đây. Chữ Hán chưa biết thì có thể tra từ điển. Nhưng với chữ quốc ngữ thì sao? Làm sao để biết cụ đủ trình độ để ngồi chiếu chính? Rồi có khi cụ nhận chỗ rồi, cụ bán chỗ cho người khác thì sao? Ngay chuyện chữ xấu với chữ đẹp, vô cùng lắm.
Và nói thật, bảo người này kèm người kia, nhưng ai mà ngồi chăm chăm bảo người bên cạnh được; thấy người ta viết sai thì chỉ nhắc khéo người xin chữ là "xin lại chữ đi" chứ chẳng lẽ bảo ông kia viết sai rồi à? Cùng viết chữ với nhau, chẳng ai vỗ mặt thế. Nói tuyển chọn ông đồ nhưng sẽ có nhiều bất cập kéo theo đấy.
Vậy theo anh, làm thế nào để quản lý được phố ông đồ tốt nhất, không để lộn xộn xảy ra?
Mọi người đều chấp hành đúng quy định thì khả năng "vỡ bờ" ít xảy ra hơn. Nhà quản lý cần phải nghiêm khắc, không có chuyện quen biết, nhờ vả, đút lót để được ngồi ở đó. Các cụ đạt tiêu chuẩn được quy định ngồi ở đâu thì ngồi ở đó (mà như đã nói, thế nào đạt tiêu chuẩn là cả vấn đề). Tính diện tích chỉ đủ 150 người ngồi viết thì nhất quyết chỉ để 150, không để vượt quá số người viết, dù chỉ một người. Phát thẻ cho người đạt yêu cầu là đúng rồi, nhưng phải kiểm tra, thẻ và tên người, lều... phải đúng người, đúng lều. Ai bán chỗ phải bị tước quyền vĩnh viễn.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Theo Kiến thức