NFSC: Niềm tin đầu tư và tiêu dùng trở lại ấn tượng
Nhận định được cơ quan này đưa ra trong báo cáo thường kỳ tháng 7/2015. Theo đó, nền kinh tế đang trên đà hồi phục và niềm tin của người tiêu dùng, nhà đầu tư đã trở lại.
Kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp phục hồi
Theo NFSC, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,28% (so với cùng kỳ năm trước). Với đà phục hồi trên, NFSC dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,4% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%.
Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đánh giá, tăng trưởng phục hồi có đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 9,9% (so với cùng kỳ 2014), cao hơn nhiều so của cùng kỳ năm 2014 (6,2%).
Trong đó IIP ngành công nghiệp chế biến chế tăng 10.1% (cùng kỳ 2013 tăng 5,8%, năm 2014 tăng 8,1%). Chỉ số PMI bình quân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 52,4 điểm, mức cao nhất trong 3 năm qua.
Cũng theo NFSC, tính chung 7 tháng năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 92,3 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập siêu ước 3,4 tỷ USD, bằng 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (giảm 1,2 điểm phần trăm so với 6 tháng năm 2015).
Trong 6 tháng đầu năm 2015 xuất siêu 3,7 tỷ USD ; trong đó, khu vực FDI xuất siêu 6,1 tỷ USD, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 9,8 tỷ USD. Nhập siêu tăng do xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh. Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng xuất khẩu (so với cùng kỳ) thấp hơn nhiều so cùng kỳ 2014 (9,3% so với 15,4%).
Kim ngạch xuất khẩu tăng chậm chủ yếu do yếu tố giá , với mức giảm đơn giá bình quân ở một số mặt hàng khá cao : Trong đó, dầu thô là yếu tố sụt giảm mạnh nhất kéo xuất khẩu tăng chậm . Tốc độ tăng nhập khẩu (so với cùng kỳ) trong 6 tháng 2015 đạt 17,7%, cao hơn nhiều mức tăng 10,5% của cùng kỳ 2014 .
Nhập khẩu tăng chủ yếu do yếu tố lượng. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước tính đạt 84,6 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhập siêu tăng chủ yếu do cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất và giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh.
NFSC cũng nhận định, khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi khá, tăng trưởng về quy mô tốt nhất kể từ năm 2009. Quy mô khu vực doanh nghiệp phi tài chính tại Q1/2015 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Tổng doanh thu bình quân, tổng tài sản bình quân và vốn chủ sở hữu bình quân toàn khu vực trong quý I năm 2015 lần lượt tăng 49,29%; 86,31% và 79,69% so với cùng kỳ năm 2014; mức cao nhất kể từ Q1/2009. Trước những dấu hiệu tích cực từ những yếu tố kinh tế vĩ mô, như GDP tăng trưởng khá, lạm phát thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp phi tài chính đang dần ổn định hơn.
Nhóm doanh nhỏ và vừa (SMEs) tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ kể từ cuối năm 2014. Tăng trưởng doanh thu bình quân tại Q1/2015 của khu vực là 60,93% cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 (Q1/2014 là -15,89%). Cùng với đó, ROA, ROE tại Q1/2015 lần lượt là 0,81% và 1,31% (tăng 3,16 và 5,28 điểm % so với cùng kỳ năm 2014). Sau thời gian dài, cùng với sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tình hình sản xuất kinh doanh của khu vực SMEs đã có nhiều cải thiện tích cực.
Tăng trưởng phục hồi khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân
NFSC cũng nhận định, trong 7 tháng đầu năm 2015, tiêu dùng tăng trưởng tốt. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2015 ước tăng 9,9%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 6,3%), mức cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây.
Theo điều tra độc lập của ANZ cùng Tập đoàn nghiên cứu thị trường Roy Morgan ở 7 thành phố lớn cũng cho thấy mức độ lạc quan của người tiêu dùng (CCI) tăng ấn tượng. Cụ thể, CCI T7/2015 ở mức 138,6 điểm, giảm 4,5 điểm so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2014 là 7,6 điểm, và cao hơn mức trung bình của năm 2014 (trung bình năm 2014 là 133 điểm).
Cũng theo báo cáo của NFSC, tính đến 20/07, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,32% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ 2014 tăng 3,15%). Theo khảo sát tại Q2/2015 của UBGSTCQG, hộ gia đình có xu hướng đầu tư vào sản xuất trở lại kể từ Q1/2014. 31% số người được hỏi đang có dự định đầu tư vào sản xuất và cung cấp dịch vụ, tăng 10 điểm % so với Q1/2014 và ở mức tương đương với Q3/2014.
Cũng theo cuộc khảo sát này, 51% số người được khảo sát có tiền gửi tại các TCTD giảm khoảng 11% so với khảo sát trước đó vào Q3/2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Điều này cũng tương xứng với thông tin các hộ gia đình tăng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
NFSC cho biết, trong 7 tháng đầu năm, lạm phát thấp và ổn định. Cụ thể, lạm phát CPI tháng 7 ước tăng 0,68% so với cuối năm 2014; CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng khoảng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản là 2,42%. Nhìn chung, cả lạm phát và lạm phát cơ bản hầu như giữ nguyên trong 5 tháng gần đây. UBGSTCQG dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3%.
Nợ xấu có xu hướng giảm. Theo số liệu của NHNN, nợ xấu giảm từ 3,81% (tháng 3/2015) xuống còn 3,15% (tháng 5/2015); nợ xấu sẽ được đưa về dưới 3% trước ngày 01/10/2015.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Trong 7 tháng đầu năm 2015, ngoài những thành tích đạt được, NFSC cũng nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với một số khó khăn nhất định trong thời gian tới.
Cụ thể, NFSC cho biết, tháng 7/2015, phát hành TPCP chỉ đạt 34% so với kế hoạch cả năm. Lũy kế 7 tháng phát hành TPCP vẫn thấp so với kế hoạch năm, mặc dù tỷ lệ trúng thầu TPCP trong tháng 7 cải thiện hơn. Tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu trong tháng 7 tăng lên 63,8%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015. Lãi suất phát hành giữ ở mức cao là 6,4%, 6,7% và 7,65% cho các kỳ hạn tương ứng 5 năm, 10 năm và 15 năm.
Tính từ đầu năm đã phát hành được 86.106,69 tỷ TPCP qua KBNN, đạt 34,4% kế hoạch năm với tỷ lệ huy động thành công là 58,4% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,48 năm . KBNN cũng vừa ban hành kế hoạch phát hành TPCP quý III/ 2015 và thông báo phát hành TPCP kỳ hạn 20 năm.
Khó khăn thứ 2 được NFSC chỉ ra đó là việc thu ngân sách (đến 15/07) đạt 52,3% so với dự toán cả năm 2015, thấp hơn so với cùng kỳ 2014 (57,3%). Theo đánh giá của NFSC, giá dầu giảm là nguyên nhân chính khiến thu ngân sách khó khăn; thu từ dầu thô giảm (-32,5%) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nội địa tăng khá khá (tăng 15,1% so với cùng kỳ) và dự kiến tiếp tục cải thiện 5 tháng cuối năm, dự báo thu ngân sách đạt dự toán.
Một khó khăn nữa được NFSC chỉ ra đó là việc tỷ giá sẽ chịu một số áp lực 5 tháng cuối năm từ biến động kinh tế quốc tế và tăng cầu ngoại tệ nhập khẩu trong nước...
Theo NFSC, trong nước, do yếu tố mùa vụ nên cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô. Bên ngoài, triển vọng tăng lãi suất của FED vào cuối năm làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn); cũng như làm giảm tính hấp dẫn của VND. Mặt khác, đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỷ giá trong nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh
Vi phạm quy định hạn chế giao dịch ký quỹ, Chứng khoán DNSE bị xử phạt