Tin tức - Sự kiện

Ngã ba Đồng Lộc - Ngã ba bất tử

Một loạt hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 đang diễn ra trên khắp cả nước trong những ngày này. Riêng tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), mỗi ngày có trên 1.000 lượt du khách tham quan, dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1989; được Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm các liệt sỹ thanh niên xung phong (TNXP) toàn quốc. Ngày 9/12/2013, Ngã ba Đồng Lộc được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt trong hệ thống các di tích trên tuyến đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh).
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngã ba Đồng Lộc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên tuyến đường 15A nối với đường Trường Sơn. Từ năm 1964 đến 1972, khi tuyến đường Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị địch đánh phá và chia cắt hoàn toàn, quân và dân ta chuyển hướng giao thông từ Bắc vào Nam theo Quốc lộ 15A đi qua Ngã ba Đồng Lộc, mọi sự chi viện cho chiến trường miền Nam phải đi qua tuyến đường này. Ngã ba Đồng Lộc trở thành yết hầu của tuyến giao thông vận tải Bắc - Nam. Vì vậy, địch tập trung đánh phá hòng cắt đứt mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
 
Với diện tích 0,6 km2, chỉ tính riêng từ tháng 3 đến 10/1968, không quân Mỹ đã trút xuống đây khoảng 48.600 quả bom các loại, chưa kể bom bi, rocket và đạn 25 mm.
 
Các lực lượng làm việc và chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc (có lúc lên đến 16.000 người) làm nhiệm vụ đảm bảo thông đường an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam. Để giữ cho mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, các lực lượng tham gia chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc thường xuyên bám trụ suốt ngày đêm, sống và làm việc dưới làn mưa bom, bão đạn, thường xuyên đối mặt với cái chết. Biết bao  xương máu của các chiến sỹ, nhân dân đã phải đổ xuống để làm nên Đồng Lộc quang vinh bất tử, họ là những người con Hà Tĩnh, của mọi vùng miền đất nước sống và chiến đấu ở Đồng Lộc. Trong đó, phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái TNXP do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng.
 
Trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã làm tốt công tác đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ cả nước.
 
Sáu tháng đầu năm nay, Ban Quản lý Khu di tích đã đón tiếp, hướng dẫn cho 4.325 đoàn, với 131.118 lượt khách tham quan; đón tiếp thành công nhiều đoàn khách cấp cao của Đảng, Nhà nước và khách quốc tế; làm tốt công tác an ninh - trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy; chỉnh trang trong tổng thể khuôn viên khu di tích, đồng thời thường xuyên tu bổ một số hạng mục công trình phục vụ khách tham quan.
 
Nhận thức được vai trò và tầm quan trong của Khu di tích, những năm qua, Ban Quản lý đã cố gắng phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, các nhà hảo tâm để tôn tạo, xây dựng Kkhu di tích ngày càng khang trang, tôn nghiêm.
 
Với diện tích quy hoạch 107,15 ha, Khu di tích có một số hạng mục công trình đã được đầu tư tôn tạo bằng nguồn vốn ngân sách, như Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ TNXP toàn quốc, Khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP, Nhà truyền thống TNXP, Tượng đài chiến thắng, Tái tạo chiến trường bom, Hệ thống đường giao thông nội bộ, Khu hành chính và đón tiếp khách. Ngoài ra, một số công trình của Khu di tích, như Tháp chuông Đồng Lộc, Cột cờ trên đỉnh núi Mòi, Cụm tượng 10 nữ liệt sỹ TNXP, Sa bàn điện tử, Hồ phun nước nghệ thuật… đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.
 
Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di tích quốc gia đặc biệt, thời gian tới, Ban Quản lý Khu di tích sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn; làm tốt công tác vệ sinh cảnh quan môi trường và an ninh trật tự; phát triển hệ thống dịch vụ; huy động nguồn vốn nâng cấp nhà truyền thống, sắp xếp trưng bày có hệ thống các hiện vật, nâng cấp sa bàn điện tử; đầu tư xây dựng hệ thống đường tránh, đường vành đai, xây dựng hồ sinh thái...
 
Bên cạnh đó, Ban Quản lý sẽ tiếp tục vận động xã hội hóa nguồn vốn xây dựng các công trình văn hóa tâm linh, như Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, phục dựng các công trình vết tích chiến tranh và nhiều công trình khác; kết nối các tour, tuyến du lịch với Ngã ba Đồng Lộc, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của Khu di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước.
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo