Quốc tế

Nga: Phó Thủ tướng nhận định tác động xấu nhất đối với kinh tế

Đối mặt với tình trạng giá dầu rớt thảm, bất ổn tiền tệ và các lệnh trừng phạt của phương Tây, hiện có vô số những thách thức đối với nền kinh tế ốm yếu của Nga.

Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Jakarta, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich phát biểu với hãng tin CNBC rằng: "Việc thiếu hụt các khoản đầu tư tài chính mới khiến kinh tế bị tác động mạnh mẽ nhất. Chúng tôi phải giải quyết tình trạng này như thế nào? Chúng tôi đang làm việc với các đối tác mới. Đây là lý do vì sao chúng tôi có mặt tại Trung Quốc, tại các quốc gia khác, để tìm kiếm các đối tác mới, qua đó có thể mang đến những khoản đầu tư mới vào quốc gia".

 
Giới phân tích dự đoán, kinh tế Nga, chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 0,6% trong năm 2014, sẽ bị suy thoái sâu sắc trong năm nay do tác động của lệnh trừng phạt và giá dầu giảm sâu. Ngoài ra, kinh tế Nga còn đối mặt với tình trạng yếu kém về cấu trúc, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng giảm sút.
 
Ảnh minh họa
 
Đầu tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng của Nga. Cụ thể, định chế này dự báo kinh tế Nga sụt giảm 3,8% trong năm nay và 1,1% trong năm 2016. Trước đó, IMF dự báo mức suy giảm lần lượt là 3% và 1%.
 
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga cho biết, Nga có đủ lượng tiền dự trữ để vượt qua những khó khăn trên thị trường dầu mỏ.
 
"Chúng tôi không tính đến giá dầu cao hơn trong các chính sách kinh tế của mình. Chúng tôi đã tiết kiệm tiền đề phòng cho những thời điểm khó khăn như hiện nay. Do vậy, lượng tiền dự trữ cho phép chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời giúp các gia đình nghèo và tăng trợ cấp thất nghiệp", ông Dvorkovich cho biết.
 
Về việc tình trạng đồng rúp rớt giá thảm hại trong năm ngoái, ông Dvorkovich cho hay, không phải tất cả các tác động đều là tiêu cực, bởi xuất khẩu nông nghiệp và công nghiệp được hưởng lợi trên trên thị trường toàn cầu khi đồng rúp mất giá.
 
Liên quan đến quyết định của điện Kremlin trong việc dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân cho Iran, ông Dvorkovich nói: "Chúng tôi không vi phạm bất cứ lệnh trừng phạt nào. Chúng tôi sẽ thực hiện các cam kết và trách nhiệm của mình với việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Các đối tác của chúng tôi không nên nghi ngờ bước đi của chúng tôi".
 
Việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm bàn giao hệ thống tên lửa đất-đối-không S-300 cho Iran được đưa ra sau các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran đạt một số tiến bộ nhất định. Mỹ và Israel, thuộc trong số những quốc gia chỉ trích mạnh mẽ nhất quyết định của Nga, lo ngại S-300 có thể được sử dụng để bảo vệ các cơ sở hạt nhân của Iran trước các cuộc không kích trong tương lai. 
NM (Theo CNBC)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo