Nga từ chối bán oanh tạc cơ siêu âm Tu-22 cho Trung Quốc
Nga mới đây đã từ chối đề nghị của Trung Quốc về việc mua oanh tạc cơ siêu âm Tu-22, trang tin Want China Times (Đài Loan) dẫn lại bản tin từ trang tin quốc phòng Nga The Russian Military (RMA) cho hay.
RMA cho biết Bắc Kinh muốn mua loại máy bay ném bom tầm xa chiến lược của Nga để thay thế cho oach tạc cơ H-6 cũ kỹ có từ thời Chiến tranh Lạnh của lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Giới phân tích nhận định do có kích thước to lớn và tốc độ bay chậm, H-6 có thể dễ dàng trở thành “mồi ngon” cho lực lượng phòng không của đối thủ.
Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 100 chiếc H-6, với thiết kế được sao chép từ máy bay ném bom Tu-16 mua lại của Nga hồi năm 1958, theo RMA.
Bằng cách trang bị động cơ D-30KP-2 do Nga sản xuất cùng các hệ thống tiên tiến khác, tập đoàn sản xuất máy bay Tây An (Trung Quốc) đã tạo ra một phiên bản nâng cấp của H-6 với tên gọi là H-6K.
Phạm vi chiến đấu của H-6K được nâng từ 18.000 km lên 30.000 km. Mẫu oanh tạc cơ này có thể mang theo 6 tên lửa hành trình CJ-10A, được cho là có thiết kế sao chép từ tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-55 của Nga.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những cải tiến nói trên không đủ để biến H-6K trở thành một mẫu oanh tạc cơ tiên tiến khi so với B-2 của Mỹ và Tu-22 của Nga.
Bắc Kinh trong nhiều năm qua đã cố phát triển loại máy bay ném bom chiến lược mới để thay thế H-6, nhưng có vẻ đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với ngành quốc phòng Trung Quốc, theo RMA.
Để bắt kịp sự phát triển về oanh tạc cơ của Mỹ, Bắc Kinh muốn dựa vào Nga, nên đã ngỏ ý Moscow bán hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất Tu-22. Tuy nhiên, Nga đã bác đề nghị này.
Tu-22M3 (NATO gọi là Backfire-C) có bán kính hoạt động 6.800 km, tốc độ tối đa 2.000 km/giờ, có thể mang 24 tấn bom, cả bom hạt nhân và tên lửa hành trình.
Tu-22M3 bay lần đầu năm 1976 và được đưa vào phục vụ năm 1983. Đến năm 2008, Nga có 141 chiếc Tu-22M3. Số máy bay này dần dần bị loại bỏ vì quá hạn phục vụ và già cỗi.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo