Ngân hàng bị "hàm oan" chuyện ăn lãi khủng
Cụm từ “lợi nhuận khủng” - từng được báo chí giật tít để nhấn mạnh về hoạt động kinh doanh của các NHTM trong khoảng 3 năm trước đây - dường như đã biến mất trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm khá nhanh trong thời gian qua. Thế nhưng, cụm từ này “bỗng dưng” lại “tái xuất” khi một chuyên gia kinh tế nhận định tại một buổi tọa đàm khoa học mới đây rằng, chênh lệch giữa cho vay và huy động của các NHTM đang rất lớn.
“Qua khảo sát chúng tôi thấy chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và ra hiện ở mức 6% (trong khi đó ở điều kiện bình thường mức chênh lệch này là khoảng 4%)”, Chuyên gia này cho biết, đồng thời đặt ra câu hỏi: “Liệu có phải sức ép phải dùng chính lợi nhuận trong tương lai của mình để xử lý nợ xấu (XLNX) nên các TCTD phải đẩy chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra lên cao để có lợi nhuận?”.
Tuy nhiên, cũng ngay tại buổi tọa đàm này, nhiều ý kiến khác đã “bác” quan điểm này và cho rằng lãi biên (NIM) của các ngân hàng hiện nay không thể ở mức cao như vậy. TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho biết, theo tính toán của BDI cho 8 NHTM lớn thì mức chênh này quân bình vào khoảng 4,3 - 4,5%, trong đó cao nhất là 5%.
"Lý do chính là vì lãi suất cho vay đã giảm rất mạnh trong thời gian qua, giảm nhanh hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi”, TS. Nghĩa phân tích.
Nhưng ngay cả với con số mà TS. Nghĩa đưa ra thì nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn cao. “Chênh lệch lãi suất huy động - cho vay hiện nay không phải là cao, ghi nhận từ nhiều ngân hàng cho thấy mức chênh lệch đó nếu chưa trừ chi phí hoạt động (trả lương, khấu hao…) chỉ từ 2,8-3%. Còn nếu đã trừ hết thì mức chênh lệch này chỉ còn 1,3-1,8%. Đương nhiên có nhiều ngân hàng có nguồn vốn đặc thù thì có mức chênh lệch cao hơn là điều hiển nhiên nhưng trường hợp đó chỉ là cá biệt”, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia khẳng định.
Lý giải việc các NHTM đang có mức lợi nhuận thấp như vậy ông Phước cho rằng, một phần vì chính họ đã và đang dùng khả năng tài chính của mình để XLNX; mặt khác cũng vì vốn đang “bất động ở trong kho” không cho vay ra được nên làm cho thu nhập trên tài sản có bình quân rất thấp. “Chúng ta không thể lấy khoản cho vay 14%/năm ở chợ Bến Thành hay chợ Đông Ba, Huế để trừ mức lãi suất huy động là 7%/năm và từ đó tính ra chênh lệch lãi suất mà các NHTM đang được hưởng là không chuẩn”, ông Phước bình luận.
Còn theo ông Phạm Xuân Hòe – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN), mức chênh lệch bình quân chung hiện nay trên toàn hệ thống chỉ khoảng 3%. “Nếu mức chênh lệch mà lớn như vậy thì chắc công bố lợi nhuận của các NHTM trên thị trường chứng khoán sẽ phải rất là “kếch xù”. Đâu như có ông ngân hàng tổng tài sản gần tới 30 nghìn tỷ đồng mà lãi có 2 tỷ trong quý vừa rồi như vậy”, ông Hòe phân tích.
PGS. TS. Tô Ngọc Hưng – Giám đốc Học viện Ngân hàng cũng cho biết, Học viện cũng có những nghiên cứu về mức chênh lệch này. “Nói chính xác thì chênh lệnh hiện nay chỉ từ 2,5-3% thôi”, ông Hưng khẳng định và thông tin thêm, mức chênh lệnh này ở Trung Quốc hiện nay là khoảng 4%; các quốc gia khác nằm trong khoảng 3-3,5%.
“Nói vậy để thấy mức chênh lệch đầu vào - đầu ra mà các NHTM tại Việt Nam hiện nay đang làm sẽ khó có thể thấp hơn. Đó cũng là mức tương đối hợp lý trong bối cảnh Việt Nam hiện nay”, ông Hưng kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
8 chương trình đào tạo của trường Đại học Đông Á được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng
Lễ hội Áo dài Đà Lạt 2024 với nhiều điểm nhấn độc đáo