Ngân hàng chung tay bình ổn giá
Từ mô hình bình ổn giá lấy vốn từ ngân sách, hiện TP. Hồ Chí Minh bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới để cho ngân hàng và DN tự chủ nguồn vốn với nhau. Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN TP. Hồ Chí Minh, những khoản vay của DN bình ổn giá đều là những khoản tín dụng có chất lượng tốt nên nhiều ngân hàng muốn tham gia...
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngày 29/3 TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ ký kết ngân hàng hợp tác với DN bình ổn giá để giảm tải gánh nặng cho ngân sách.
Theo đó, BIDV chi nhánh Bến Thành, Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt, Sacombank, Eximbank sẽ dành 1.850 tỷ đồng cho vay đối với 40 DN tham gia bình ổn giá; trong đó, 750 tỷ đồng vốn vay ngắn hạn được áp dụng lãi suất 6%/năm, 1.100 tỷ đồng vốn vay trung dài hạn với lãi suất 10%/năm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, 40 DN tham gia ký kết đầu tiên này thuộc 4 nhóm lĩnh vực trong chương trình bình ổn giá của thành phố Hồ Chí Minh gồm: lương thực - thực phẩm, sữa, vở học sinh, dược phẩm. 40 DN này đã được Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh sát hạch về điều kiện sản xuất kinh doanh và tiềm lực tài chính nên thành phố đứng ra bảo lãnh khoản vay với các ngân hàng.
Chương trình bình ổn giá hàng hóa đã được TP. Hồ Chí Minh đi đầu thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên thời gian trước đây, nguồn vốn hỗ trợ DN tham gia bình ổn giá đều dùng ngân sách nhà nước với lãi suất 0% để bình ổn thị trường.
Theo bà Đào Thị Hương Lan - Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, việc sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ DN tham gia bình ổn giá tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây đã giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2011 tổng nguồn vốn ngân sách chi cho chương trình là 400 tỷ đồng, đến năm 2012 con số này đã giảm 50% chỉ còn hơn 200 tỷ đồng, trong khi nguồn cung hàng hóa tăng hơn 30%.
Theo kế hoạch chương trình bình ổn giá của thành phố, từ năm 2013 sẽ giảm dần tỷ trọng cho vay vốn từ ngân sách cho kênh phân phối, để từng bước đầu tư vào chiều sâu cho các DN sản xuất. Cụ thể, thành phố đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng kế hoạch đầu tư chuồng trại, con giống,… từ đó tạo ra nguồn hàng chủ động cho thị trường.
Từ mô hình bình ổn giá lấy vốn từ ngân sách, hiện TP. Hồ Chí Minh bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới để cho ngân hàng và DN tự chủ nguồn vốn với nhau.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Minh, những khoản vay của DN bình ổn giá đều là những khoản tín dụng có chất lượng tốt nên nhiều ngân hàng muốn tham gia. Tuy nhiên NHNN cũng xem xét lựa chọn một số ngân hàng tiên phong để tham gia chương trình, sau đó sẽ từng bước mở rộng loại tín dụng “chia sẻ với ngân sách” này vào những năm sau.
Các nhà kinh tế cho rằng, từ đòi hỏi của thực tiễn TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua luôn đi đầu trong các chương trình tạo nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường.
Từ bình ổn giá, đến kết nối nhà sản xuất với phân phối để tạo ra giá cả tốt cho người tiêu dùng, đã góp phần tạo bình ổn chỉ số giá tiêu dùng, kiềm chế lạm phát ở một địa bàn có sức mua lớn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Từ chỗ sử dụng công cụ vốn nhà nước để bình ổn, đến chuyển sang cho các thành viên tham gia thị trường cung ứng vốn cho nhau là một bước quan trọng để hướng tới cơ chế thị trường có sự điều tiết quản lý của Nhà nước.
Tiêu chí giá cho những DN tham gia bình ổn thị trường ở TP. Hồ Chí Minh được Sở Tài chính định bằng giá bán, trên cơ sở giá thành hàng hóa, với chi phí hợp lý và lợi nhuận phù hợp. “Thành phố không ép giá DN tham gia bình ổn, không đứng về bên nào, mà điều chỉnh giá linh hoạt có lên có xuống theo thị trường để người mua và người bán gặp nhau”, bà Đào Thị Hương Lan nói.
Minh Trí
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Cột tin quảng cáo