Ngân hàng chuyển hướng
Tăng dịch vụ, giảm tín dụng
Các ngân hàng (NH) không còn mục tiêu lợi nhuận "khủng", không còn kế hoạch doanh thu cao chóng mặt... Điều dễ nhận ra trong mùa đại hội cổ đông ngành NH năm nay là tự giảm mục tiêu lợi nhuận. Đơn cử NH Eximbank (EIB) đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2014 là 1.800 tỉ đồng, giảm 44% so với năm 2013; NH Hàng hải cũng chỉ kỳ vọng đạt lợi nhuận 265 tỉ đồng trước thuế, giảm 34% so với năm 2013… Đây là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay bởi nguồn thu nhập lớn nhất của các đơn vị này là từ hoạt động tín dụng thì vẫn đang rất khó khăn. Hết quý 1/2014, dư nợ tín dụng mới chỉ tăng 0,01%.
Tuy nhiên, nhiều ông chủ NH giải thích lý do quan trọng của sự chuyển hướng là họ đang tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững và dài hạn. Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh khẳng định NH này sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực cho việc phát triển năng lực kinh doanh cốt lõi. Đó là tập trung vào đối tượng khách hàng cá nhân và các DN vừa và nhỏ; đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng doanh thu từ phí (13% lên 19%); quản lý chặt chất lượng tín dụng, đảm bảo nợ xấu duy trì mức dưới 3% tổng dư nợ. Chiến lược này thực ra đã được Techcombank thực hiện từ nhiều năm nay và nhờ đó NH này đã vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cũng chọn con đường "chậm mà chắc", đại diện NH Đông Á cho biết trong thời gian tới NH vẫn là hoàn thiện bộ máy tổ chức, cơ cấu hệ thống, sắp xếp nhân sự. Khách hàng mục tiêu của NH Đông Á cũng được tập trung vào phân khúc đại chúng và tự doanh cá thể. Đặc biệt, chú trọng đến các lĩnh vực bán lẻ, đơn vị cung ứng các dịch vụ phổ thông cho hộ gia đình.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định: Việc các NH tập trung vào hoàn thiện và chuẩn hóa hệ thống thay vì đi tìm khách hàng mới như trước là điều cần thiết. Khi quy trình về rủi ro, thanh khoản; quy trình cho vay được thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn, lựa chọn khách hàng chuẩn hơn thì sẽ kiểm soát được nợ xấu tốt hơn. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng các NH thương mại (TM) phải tự tái cơ cấu mạnh mẽ nếu không muốn bị loại ra khỏi thị trường trong thời gian tới. Trong đó quan trọng nhất là cải tổ các quy định, quy trình theo chuẩn mực quốc tế về chế độ kế toán tài chính, về quy trình cho vay và kiểm tra giám sát… Khi đó chất lượng nợ mới được cải thiện hơn, tạo niềm tin cho cổ đông và khách hàng.
Giảm nợ xấu
Năm 2013, không ít NH sụt giảm lợi nhuận mạnh vì tăng chi phí trích lập rủi ro tín dụng khi nhiều doanh nghiệp khó khăn khiến nợ xấu gia tăng. Vì vậy trong kế hoạch năm nay, các NHTM đều chú trọng đến mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức quy định của NHNN. Tại đại hội cổ đông của Techcombank, Hội đồng quản trị nêu rõ trong chiến lược hoạt động 5 năm tới là Techcombank sẽ tiếp tục duy trì chính sách cho vay thận trọng, quản lý chặt chất lượng tín dụng để đảm bảo nợ xấu duy trì ở mức dưới 3%. Tương tự, một lãnh đạo Maritime Bank cho biết năm 2014 sẽ tăng tỷ lệ doanh thu từ phí, tập trung xử lý nợ xấu, tăng chất lượng nợ và hiệu quả sử dụng chi phí. Theo một chuyên gia tài chính, việc NHNN ban hành Thông tư 09/2014 cho phép các NHTM giãn thời gian áp dụng Thông tư 03 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo chuẩn mới là cơ hội để các NHTM có thêm thời gian xử lý nợ xấu tồn tại trước đây. Nhưng điều quan trọng là các NHTM phải kiểm soát để không có nợ xấu phát sinh mới trong quá trình hoạt động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc