Thị trường

Ngân hàng đang làm khó doanh nghiệp?

Trong khi các doanh nghiệp ra sức “kêu gào” vì khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng, thì các ngân hàng lại cho rằng nguyên nhân đôi khi từ chính các doanh nghiệp. Vậy có phải ngân hàng đang cố tình làm “khó” các doanh nghiệp?

Lý giải về việc khó hoặc không khi các doanh nghiệp được vay vốn từ ngân hàng, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng âu cũng có lý do của họ. Tuy nhiên, vay được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào sức khỏe của doanh nghiệp mà hiện nay nhiều doanh nghiệp đang “ốm” nên phải có phương thuốc cứu chữa kịp thời để doanh nghiệp có thể hồi phục được.

 

- Thưa ông, nhiều doanh nghiệp hiện nay cứ than vãn rằng thật khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng, phải chăng đó là do các doanh nghiệp không đưa ra các lý do kế hoạch thích hợp nên các ngân hàng ngại cho vay?

 

Đúng vậy, bởi các ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên phải tăng thêm tính chuyên nghiệp giữa doanh nghiệp và ngân hàng, mà tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp rất thấp.

 

Có nhiều doanh nghiệp, có nguồn tiền lớn thì mua ô tô, mua sắm tràn lan nên doanh nghiệp nghĩ mình tài giỏi lắm, mình kinh doanh được, đến giờ khó khăn mới chợt nhận ra mình thực sự không có chiến lược. Muốn hoạt động tốt để chứng minh mình có gì với ngân hàng thì phải có chiến lược, xem mảng thị trường nào hoạt động được, mà muốn hoạt động được phải có kỹ năng, công nghệ chứ không có chuyện “trời sinh voi, trời sinh cỏ” đâu.

 

- Trong khi các doanh nghiệp chật vật để có thể tiếp cận được vốn ngân hàng thì gần đây, Thanh tra Chính phủ công bố kết quả thanh tra tại 14 đơn vị, trong đó số vi phạm hơn 30.000 tỷ đồng. Ông có đánh giá gì về con số này?

 

Đó là một phát hiện quan trọng, cho thấy những tập đoàn sử dụng rất nhiều vốn một cách lãng phí, kém hiệu quả, trái quy định pháp luật. Đó là bài học đối với khâu khung pháp lý, sự quản trị chuyên nghiệp, việc giám sát và giải trình đối với những người chịu trách nhiệm về sử hữu vốn Nhà nước. Vốn Nhà nước là của toàn dân, ông chủ có biết gì không?

 

Tại sao lại sử dụng vốn của tôi như vậy? Đó là những thông tin quan trọng bước đầu để chúng ta phải có cải cách nghiêm túc đối với các tập đoàn Nhà nước, “những đứa con cưng” vì nuông chiều có thể làm hư hỏng nó. Nhà nước ta có những cơ chế ưu đãi quá đáng đối với các tập đoàn Nhà nước, có thể đã làm một số tập đoàn quá phung phí tiền vốn của mình và đầu tư kém hiệu quả, trái quy định. Không biết, mới có một Vinashin hay còn nhiều ông Vinashin chưa lộ mặt?

 

- Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp khó khăn có nguy cơ phá sản, theo ông việc giảm thuế không thôi của Nhà nước với doanh nghiệp đã đủ chưa?

 

Nhiều doanh nghiệp kêu khó khăn lớn nhất là tiếp cận vốn với lãi suất cao quá, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ. Trong khi ngân hàng có sự phân loai, doanh nghiệp nào thường xuyên vay, trả được nợ mới cho vay.

 

Theo kinh nghiệm các nước khác là, Chính phủ lên danh sách mua lại nợ xấu của các doanh nghiệp, giải quyết nợ đó, cho doanh nghiệp được vay vốn họa động bình thường. Chính phủ mua lại tức là đã có cổ phần, có giám sát, và khi hoạt động tốt, Chính phủ bán lại cổ phần của mình, bán lại nợ, thu lại vốn. Chính phủ chỉ có lãi chứ không lỗ.

 

Số tiền ứng ra cứu doanh nghiệp là hành động đòi hỏi một kỹ năng và tính chuyên nghiệp, dĩ nhiên phải công khai, minh bạch, tránh cơ chế “xin – cho”. Tuy nhiên, trong số những doanh nghiệp giải thể, có doanh nghiệp “chết” là chính đáng, nên “chết đi” bởi vì kinh doanh vung tay quá trán, kinh doanh trên những lĩnh vực mình không có chuyên nghiệp, thấy người ta làm cũng nhảy vào làm không có bài bản. Việc điều chỉnh như vậy là phù hợp.

 

Trong kinh tế học, phá sản là một sự tàn phá sáng tạo, tức là nhà máy vẫn còn, thiết bị vẫn còn, lao động vẫn còn, chỉ có ông chủ mới giỏi hơn, nhiều vốn hơn đến kinh doanh. Lúc đó có thể khôi phục được. Phá sản trong kinh tế học không phải là ngày tận thế, mà phá sản là cơ hội để vươn lên và đó là điều các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải học dài dài.

 

- Xin cảm ơn ông! 

 

Theo DDDN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo