Ngân hàng đồng loạt giảm mạnh giá bán USD
(vneconomy) Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đầu mối đang chiếm thị phần lớn nhất về thanh toán xuất nhập khẩu, giá USD niêm yết sáng nay đã giảm mạnh cả chiều mua vào và bán ra.
Cụ thể, mức giá mua vào giảm tới 30 VND so với ngày hôm qua (29/7), còn 21.140 VND; mức giá bán ra còn 21.210 VND, là lần đầu tiên xuống sâu dưới mức trần sau kỳ có biểu hiện căng thẳng từ đợt điều chỉnh ngày 28/6 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước.
Tại thành viên có hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu mạnh khác là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), mức giá USD mua vào sáng nay còn thấp hơn, còn 21.130 VND, giảm tới 40 VND so với ngày hôm qua; mức giá bán ra cũng đã xuống dưới trần với 21.230 VND. Đây cũng là mức giá hai chiều niêm yết phổ biến tại nhiều ngân hàng thương mại khác.
Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ ngày 28/6/2013 - ngày Ngân hàng Nhà nước tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng - tỷ giá USD/VND có điều chỉnh mạnh như vậy, cũng như sau nhiều tháng giá USD bán ra mới xuống dưới mức trần biên độ cho phép.
Trong tuần qua, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng đã cho thấy xu hướng hạ nhiệt của tỷ giá. Tỷ giá giao dịch trên thị trường này duy trì trạng thái ổn định và luôn ở khá thấp dưới mức trần; như đến ngày hôm qua đã lùi về dưới mốc 21.200 VND.
Trong khi đó, nguồn cung VND trên liên ngân hàng tiếp tục có dấu hiệu hạn chế và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao.
Suốt tuần qua, lãi suất VND kỳ hạn qua đêm được chào ở mức cao, có từ 5 - 5,5%/năm; các kỳ hạn ngắn từ 1 tuần đến 1 tháng có từ 5,7% - 6%/năm. Ngược lại, lãi suất USD các kỳ hạn tính theo tuần chỉ từ 0,7 - 1,2%/năm. Chênh lệch lãi suất giữa VND so với USD đã doãng rộng thay vì không đáng kể từ trung tuần tháng 7 trở về trước - thời điểm tỷ giá USD/VND có biểu hiện căng thẳng.
Một diễn biến khác đáng chú ý là sau khi Ngân hàng Nhà nước trở lại phát hành tín phiếu để hút tiền về, tần suất và quy mô những phiên đấu thầu gần đây đã giảm, khi lượng trúng thầu rất thấp.
Đây có thể xem là một phản ánh về mức độ vốn VND ngắn hạn nhàn rỗi của các tổ chức tín dụng đã hạn chế - một trong những yếu tố tác động đến biến động tỷ giá vừa qua.
Thêm vào đó, từ tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu cho hướng tăng mạnh, đầu ra đã thuận lợi hơn để hạn chế trạng thái dư thừa vốn VND từng gây áp lực tới tỷ giá.
Thùy Duyên
End of content
Không có tin nào tiếp theo