Ngân hàng đọng vốn: Nghịch lý thừa - thiếu
Trả lời câu hỏi hóc búa của ĐBQH Phùng Văn Hùng về đọng vốn, nợ xấu và khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các DN, người dân trong phiên chất vấn tại phiên họp của UB Thường vụ QH chiều 29.9, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói: Chúng ta đã bắt bệnh trúng, chữa bệnh đúng. Vấn đề chỉ là liều lượng thuốc chữa bệnh. Bởi nếu không cẩn thận, con bệnh sẽ chết vì thuốc của chúng ta.
Vì sao nông dân, ngư dân chưa được tiếp cận vốn ưu đãi?
Câu chuyện tăng trưởng tín dụng chưa đạt mục tiêu với thực trạng tiền thừa trong ngân hàng và thiếu ngoài thực tế đời sống, sản xuất chính là nội dung nóng bỏng nhất trong phiên chất vấn. Từ miền Trung, ĐBQH Đồng Hữu Mạo đặt câu hỏi: Tại sao nông dân nông thôn không hề được tiếp cận nguồn vốn 30.000 tỉ đồng mua nhà?
Từ ĐBSCL, ĐBQH Nguyễn Trung Thu chất vấn về thực tế “trong khi NH tồn vốn thì ở địa phương, nông dân đang thiếu vốn cơ giới hóa, giảm tổn thất, dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định”. ĐBQH Trần khắc Tâm hỏi về những chính sách cụ thể để ngư dân có thể biết đến và tiếp cận gói hỗ trợ 13.000 tỉ đồng!
Từ Tây Nguyên, ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh nhắc lại những than phiền của cộng đồng doanh nghiệp khi khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, và một thực tế khác là tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm quá thấp, chỉ khoảng 7% so với mục tiêu cả năm là từ 12-14%.
Hóc búa nhất là chất vấn của ĐBQH Phùng Văn Hùng. Nhắc tới con số 44.000 DN phải ngừng hoạt động, phải giải thể trong 9 tháng năm 2014 chỉ vì không tiếp cận được nguồn vốn, tín dụng, ông đặt câu hỏi, phải chăng bắt bệnh chưa đúng, thuốc chữa chưa đúng khiến nợ xấu vẫn như cục máu đông chưa giải quyết được?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời bằng một bức tranh doanh nghiệp. Theo ông, số lượng các DN vẫn tăng. Và cho dù số DN thành lập mới không bằng năm trước, nhưng số DN từ lỗ bắt đầu có lãi đã tăng. Ông cũng ví dụ tính chủ động của ngân hàng trong việc đưa vốn vào sản xuất bằng việc đẩy mạnh kết nối ngân hàng - DN - địa phương, để qua đó, 105.000 tỉ đồng đã được cho vay sản xuất. “Chúng tôi có đường dây nóng - thống đốc nói - để các DN nếu thấy có khả năng tiếp cận vốn sẽ điện thoại để tháo gỡ. Nguyên tắc: Không bỏ sót DN cần vốn, nhưng cũng không làm giảm chất lượng tín dụng. Cho dù “thực tế muôn hình vạn trạng, có nhiều vấn đề của DN mà đúng ra NH cũng không dám cho vay”.
Nợ xấu chính là cục máu đông
Trước nghị trường, thống đốc nói đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ bà con ngư dân nuôi trồng thủy, hải sản. Theo ông, đến cuối năm 2012, các HTX, hộ nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn. Bản thân thống đốc đã đi công tác thực tế tìm hiểu và trình Chính phủ ban hành các quyết định tháo gỡ khó khăn cho tôm và cá tra. Ví dụ cho phép cơ cấu lại nợ tới 24 tháng, 36 tháng từ tháng 4.2014, giảm lãi suất cho vay về mức thấp nhất…
Đối với nợ xấu, thống đốc tự tin khẳng định: Chúng ta không có gì hốt hoảng về nợ xấu, dù không chủ quan. Vấn đề là đã thấy được căn bệnh, thấy được phương thuốc, đến nay nợ xấu đã bớt xấu hơn rất nhiều và nằm trong sự giám sát của NHNN. Chúng ta bắt bệnh trúng, chữa bệnh đúng, nhưng vấn đề là liều lượng phụ thuộc vào sức khỏe con bệnh. Nếu liều lượng cao quá, có khi con bệnh chết vì thuốc của chúng ta.
Tới cuối phiên chất vấn, không khí vẫn tiếp tục “nóng” khi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc dẫn ý kiến của cộng đồng DN nói rằng “Ngân hàng đã chuyển nguy cơ đổ vỡ từ mình sang cộng đồng DN”. Ông Phúc liên tục đặt câu hỏi: “Tại sao huy động tăng nhưng cho vay lại thấp? NHNN có tự tin vào khả năng kiểm soát lạm phát hay không? Lạm phát dự kiến tăng từ 4,5-4,7%, vậy tại sao lại cho vay với lãi suất từ 7-13%.
Khó nhất là câu hỏi của ông Phúc về câu chuyện ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ, một biểu hiện của thực tế huy động được tiền nhưng không cho vay được.
Thống đốc cho rằng cần nhìn lại. Trước đây, chúng ta sử dụng vốn nhiều hơn so với khả năng huy động với dư nợ là 126% - thống đốc nói. Trong khi 3 năm qua, dư nợ chỉ đạt 89,7%. Tôi nói nếu điều hành tiền tệ như thế này thì chưa cần có đột phá, thị trường chứng khoán cũng sẽ khởi sắc và thực tế chỉ số VN Index ở mức 600 điểm đang chứng minh điều đó.
Theo thống đốc, năm nay lạm phát sẽ kiểm soát ở mức dưới 5%. Sang năm, Chính phủ đặt chỉ tiêu 7%. Điều đó chứng tỏ sự lường trước những tiềm ẩn phức tạp. “Chúng tôi luôn điều hành theo hướng để tốc độ tăng trưởng cao hơn lạm phát - ông Bình nói - còn việc giảm lãi suất, hiện chỉ còn mức lãi suất trần 6 tháng là 6%, nếu đưa xuống ví dụ 5% để phù hợp với lạm phát thì sẽ tạo ra sự chấp chới so với tăng trưởng và khả năng lạm phát tiềm ẩn.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cuối năm chúng ta phải có một hệ thống tín dụng lành mạnh, tức là huy động được vốn, cho vay được vốn, không để lại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. Tôi đồ rằng chưa được 2/3 số tổ chức tín dụng của chúng ta đạt được điều đó.
Ông đề nghị cần quán xuyến tái cơ cấu và chính sách tài chính, tín dụng phải gắn kết với nhau. “Nếu nợ xấu để phát sinh tăng thêm trong khi chưa giải qyết được cái cũ sẽ rất gay go. Cái xấu sẽ trở lại. Ngay cả việc bán được cho công ty mua bán nợ, với vốn chỉ 5.500 tỉ đồng, trong khi nợ xấu cả trăm ngàn tỉ mà không bán được, thì đây là một rủi ro vì chỉ chuyển được nợ xấu từ ngân hàng sang công ty mua bán nợ. Cục máu đông nằm chính ở chỗ này” - ông nói.
Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo