Ngân hàng giành nông dân từ tín dụng đen
Tín dụng đen bào mòn nông dân
Ông Phạm Hữu Phúc - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Kiên Giang - cho biết, bây giờ đã có nhiều NH chào vay vốn với DN nông nghiệp và nông dân nhưng thời điểm căng thẳng về vốn trước đây thì việc vay vốn của nông dân và DN gần như không thể. Trong khi đó, đã có rất nhiều chương trình vốn ưu đãi cho nông nghiệp nhưng việc thực hiện còn hạn chế nên vốn cho khu vực này vẫn chưa được như mong đợi.
Có lẽ vì thế, mà nông nghiệp nhất là tại khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn nhất nước – ĐBSCL lại là địa bàn tín dụng đen rất phát triến trong khi đa phần các tổ chức tín dụng vẫn e ngại truớc những rủi ro khó lường về thời tiết thất thường, đầu ra cho sản phẩm nhiều khi bế tắc.
Đại diện tỉnh Sóc Trăng ví dụ, dân rất cần vốn nhưng tiếp cần với vốn NH còn khó khăn. Cả hai vụ nuôi tôm vừa qua tại Sóc Trăng đều mất mùa, nông dân không còn tài sản thế chấp nên không có vốn cho vụ 2013; vốn vay năm 2011 chưa trả nợ được. Ai muốn làm ăn chỉ còn nước đi vay tín dụng đen.
Đại diện Vietinbank đã phản ánh một thực tế, lãi suất vay các nguồn không chính thức thường cao gấp 6 lần chính thức. Và thực tế đi vay nặng lãi ở ĐBSCL không hề nhỏ một tý nào.
Hiện nay, các NH cho vay nông nghiệp còn ít trong khi nhu cầu nông dân thì đa dạng và thường xuyên nên cho vay lãi suất cao ở nông thôn còn có đất phát triển với nhiều cách như bán chịu vật tư, cây con giống, cầm cố cho vay tiêu dùng với lãi suất 4 – 10%/tháng thậm chí có thể lến đến 2 -3%/ngày hay 60%/vụ. Đây là thực tế làm cho người nông dân trở nên khánh kiệt.
Bảo hiểm lãi suất, yếu tố đột phá
Hiện nay, đã có nhiều NH quan tâm đến cho vay nông nghiệp và nông dân. Thậm chí, có những NH cổ phần chọn nông thôn làm địa bàn chiến lược lâu dài.
Trái với quan điểm cho vay nông nghiệp manh mún, tốn chi phí và nhiều rủi ro, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Lienvietpostbank lại cho rằng, cho vay nông nghiệp nông thôn món nhỏ, phân tán rủi ro nên nếu mất cũng mất rất ít. Trong khi đó, lãi suất cho nông dân vay nói là ưu đãi nhưng thực tế vẫn còn cao hơn cho vay một số DN lớn ở thành phố. Vì thế, kể cả đi làm từ thiện, tính đầy đủ chi phí, chúng tôi vẫn có lãi. Cả hai bên, ngân hàng và nông dân đều có lợi. Vì thế, sẽ ngày càng có nhiều DN triển khai chương trình tín dụng tương tự đối với nông nghiệp nông thôn.
Trong khi đó, từ kinh nghiệm thực tế cho vay tín chấp qua các tổ nhóm của ngân hàng chính sách hay nông nghiệp cho thấy, người nông dân rất tôn trọng chữ tín vì mình và cộng đồng; quý trọng đồng vốn nên tỷ lệ nợ xấu thấp. Dù có nhiều rủi do khiến nợ xấu dễ phát sinh nhưng nguy cơ mất vốn lại thấp hơn nhiều lĩnh vực khác vì món vay nhỏ và phân tán.
Để tăng cường vốn vào nông thôn, giảm thiểu rủi ro cho NH và nông dân thì một điều quan trọng được nhiều chuyên gia lưu ý là cần phải xây dựng các chính sách bảo hiểm đồng bộ cho nông nghiệp và cho tín dụng.
Dưới chủ trì của NHNN, mới đây ý tưởng về vay nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất tại ĐBSCL đã được LienVietPostBank và PTI thực hiện thông qua một đề án cho vay 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn khu vực ĐBSCL kéo dài đến 2015 có bảo hiểm từ thiện lãi suất.
Theo đó, bên bảo hiểm sẽ nhận bảo hiểm miễn phí lãi suất tiền vay, đồng thời thay mặt nông dân vay vốn thanh toán toàn bộ khoản dư nợ lãi vay trong trường hợp khó khăn khách quan. Số tiền lãi được bảo hiểm dự là 800 tỷ đồng nếu thành công mô hình này sẽ được nhân rộng.
Theo nhiều chuyên gia, nếu không có bảo hiểm, NH phải chịu thiệt gấp đôi vì NH phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Thay vì việc đó, ta cần có cơ chế bảo hiểm. Nếu vốn ít NH bảo hiểm lãi suất, nếu nhiều có thể bảo hiểm cả rủi ro. Có như vậy, người nông dân mới yên tâm đối phó với thiên tai, dịch bệnh.
Theo TS. Lê Thẩm Dương (Đại học NH TPHCM), cơ chế bảo hiểm lãi suất cho khoản vay mới chỉ là một sự hé mở và chưa bao trùm được giá trị lớn nhất là toàn bộ khoản vay, gồm cả phần gốc: “Người ta kỳ vọng là sẽ có bảo hiểm cho cả khoản vay. Nhưng điều này chỉ riêng một NH khó làm được, phải có chỉ đạo cấp nhà nước, tạo thành chuỗi trong đó bảo hiểm là một khâu quan trọng”. Tuy nhiên, ý nghĩa của bảo hiểm lãi suất là một chính sách mồi, tạo một chỗ dựa và kích thích người dân vay vốn, NH cũng có thêm điều kiện để đẩy mạnh cho vay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương