Ngân hàng giữ tiền mà lo ngay ngáy
Do giải ngân ì ạch nên lượng tiền gửi kho bạc hiện lên tới 57 nghìn tỷ đồng, thay vì mức bình thường là 20 - 25 nghìn tỷ đồng. Cập nhật mới nhất từ bản tin thị trường của BIDV cho thấy, trong tuần đầu của tháng 3/2014, đấu thầu trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp diễn ra khá sôi động với tỷ lệ trúng thầu được giới buôn vốn nhận xét là “gọi bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu”.
“Điệp khúc” mua trái phiếu
Theo đó, Kho bạc Nhà nước phát hành thành công 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2, 3 và 5 năm, lãi suất trúng thầu giảm nhẹ, riêng kỳ hạn 3 năm giảm tới 17 điểm phần trăm. Ngoài ra, đơn vị này còn phát hành thêm 2 nghìn tỷ đồng tín phiếu với mức lãi suất 5,6%/năm.
Cụ thể: kỳ hạn 2 năm, gọi 3 nghìn tỷ, bán hết cả 3 nghìn tỷ, lãi suất 6,1%, giảm 5 điểm phần trăm so với phiên trước. Tương tự, kỳ hạn 3 và 5 năm gọi 4 nghìn tỷ và 3 nghìn tỷ đồng đều bán hết veo với lãi suất lần lượt là 6,58% và 7,63%, so với phiên trước, lãi suất giảm lần lượt là 4 điểm và 17 điểm phần trăm.
Cùng đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng phát hành thành công 500 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm với mức giá 7,3%/năm. Trên thị trường liên ngân hàng, vốn cũng dư dả ê hề. Tuần đầu tháng ba, doanh số giao dịch lên tới 20 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn qua đêm - 2 tuần chiếm tới 75% tổng doanh số. Mặt bằng lãi suất kỳ hạn qua đêm - 1 tuần ở mức 2% - 2,5%/năm; 2 tuần: 2,6%/năm và 1 tháng là 3,3%/năm.
Đề phòng các ngân hàng dư vốn khả dụng và “ngó nghiêng” sang ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tới 20 nghìn tỷ đồng qua OMO và phát hành tín phiếu.
Theo một thông tin chưa chính thức, trong tuần qua (10 - 14/3), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ngoại tệ và đáo hạn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, do đó, một lượng tiền tới 40 nghìn tỷ đồng được bơm thêm vào hệ thống.
Vì thế, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn đi ngang như tuần trước đó, thậm chí giảm nhẹ ở mức 1,5% - xấp xỉ 3%/năm đối với kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần.
Cũng do ngân hàng dư vốn, ở thị trường 1 đã có biểu hiện ngấm ngầm cuộc đua hạ lãi suất cho vay tiêu dùng khi mà khu vực đầu tư tư nhân đang nằm im nghe ngóng.
TPBank thông báo hạ lãi suất cho vay tiêu dùng với nhiều sự chọn lựa: 6,6%/năm cố định trong 6 tháng đầu; 8,8%/năm trong 8 tháng đầu hoặc 0%/năm trong tháng đầu và 8,8% trong 5 tháng tiếp theo.
Một vài ngân hàng khác bắt đầu liên kết với các đơn vị hưởng lương ngân sách, ký thỏa thuận để cho vay tiêu dùng qua lương với mức 12%/năm, kỳ hạn 1-3 năm. Tuy nhiên, mức lãi suất tiêu dùng như trên còn hạn chế ở một số ít ngân hàng, phổ biến vẫn ở mức trên 15%/năm.
Khổ vì tiền đi lòng vòng
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong quý 1 hàng năm, tín dụng thường tăng chậm nhưng từ quý 2, sẽ bắt đầu tăng. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ phát hành trái phiếu trong quý 1 để có nguồn tiền đầu tư cho nền kinh tế.
Gần đây, giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có sự phối hợp tương đối nhịp nhàng và nhờ đó, trong hai tháng đầu năm, phát hành thành công 55.701 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh.
Do lượng tiền về nhiều, để tránh tình huống các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn này đánh ngoại tệ, gây áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước vừa hút về, vừa phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu nhưng phải lựa chọn mức lãi suất phù hợp để không gây khó khăn cho phát hành.
Theo đó, trong hai tháng đầu năm so với cuối năm ngoái, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 36 - 90 ngày đạt 5,6%/năm, giảm 0,6%; kỳ hạn 2 năm còn 6,15%, giảm 0,3%; 3 năm: 6,75%, giảm 0,43%; 5 năm: 7,67%, giảm 0,58%; 10 năm: 8,8%, giảm 0,02%.
Tuy nhiên, khi Kho bạc phát hành trái phiếu thành công thì cũng kéo theo những bất cập khác mà đầu tiên là lượng tiền gửi hệ thống kho bạc tại các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, đến nay, con số lên tới 57 nghìn tỷ đồng do Nhà nước chưa dùng đến.
“Ngân hàng Nhà nước mong muốn phải giải ngân nhanh số tiền này cho đầu tư, nếu không sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, ở chỗ: chúng trở thành con số tính vào thanh khoản nhưng nếu Kho bạc bất ngờ rút đi thì sẽ gây rủi ro thanh khoản”, Thống đốc nói.
Ngoài ra, theo TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Quốc hội Tp.HCM, cũng do tín dụng bế tắc, hiện khá nhiều ngân hàng đã dùng tới 70% - 80% vốn để mua trái phiếu Chính phủ.
“Khi kinh tế hồi phục, nếu doanh nghiệp muốn vay vốn trung dài hạn để tái đầu tư mà không có, sẽ đẩy cầu vốn lên cao và lãi suất sẽ rất khó hạ, trái ngược với mong muốn hạ lãi suất tiền vay của Ngân hàng Nhà nước. Đó là chưa nói, phần lớn cơ cấu vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Đây là mắc mớ lớn mà Ngân hàng Nhà nước không thể không tính tới”, ông Lịch nói.
Câu chuyện ngân hàng mua trái phiếu cũng chưa dừng ở đó mà còn thêm vòng luẩn quẩn, ở chỗ: ngân hàng huy động tiền thì phải trả lãi suất cho bên gửi, sau đó lại mua trái phiếu và được Bộ Tài chính trả lãi suất, khi Nhà nước chưa giải ngân kịp phải gửi vào ngân hàng và ngân hàng lại phải trả lãi suất cho Bộ Tài chính.
Dĩ nhiên, vòng quay của tiền với các nghiệp vụ trên là cần thiết để cân đối cung cầu vốn nhưng mục đích cuối cùng vẫn phải phục vụ đầu tư. Nhưng đáng tiếc, đã hai năm qua, chưa ai trả lời câu hỏi: bao giờ khu vực sản xuất chấm dứt cảnh đứng ngoài vòng quay của tiền từ hệ thống ngân hàng.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo