Thị trường

Ngân hàng hết thời đánh quả kiếm lời

Để tồn tại và phát triển, các ngân hàng phải như người nông dân chăm chỉ, cần mẫn đi theo hướng phát triển ổn định, bởi không còn “cửa” đầu tư vào những kênh rủi ro để kiếm lời.

Lợi nhuận của Ngân hàng Eximbank dự kiến chỉ đạt 50% chỉ tiêu trong năm nay. Cụ thể, tín dụng của nhà băng này chỉ mức tăng trưởng 8% trong 10 tháng đầu năm và dự kiến cả năm chỉ đạt trên 10%, so với chỉ tiêu xây dựng là 15%.

Lợi nhuận của Ngân hàng Eximbank dự kiến chỉ đạt 50% chỉ tiêu năm 2013
Theo báo cáo tài chính hoạt động kinh doanh quý III/2013 của Eximbank, lãi thuần chỉ đạt 688 tỷ đồng, giảm 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận giảm phân nửa so với chỉ tiêu đưa ra là nguyên nhân buộc Eximbank phải giảm nhân sự, giảm lương, giảm cổ tức...
 
Ông Nguyễn Quốc Hương, tân Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, thời kỳ kinh doanh dịch vụ ngân hàng có mức chênh lệch lớn giữa lãi suất cho vay và huy động (huy động với lãi suất 10 - 11%/năm, cho vay với lãi suất 17 - 18%/năm) đã qua.
 
Do vậy, theo ông, hoạt động ngân hàng sắp tới phải như những người nông dân chăm chỉ, cần cù theo một hướng đi ổn định thì mới có thể thu được thành quả, bởi không còn chuyện ngân hàng đánh quả, đầu tư vào những kênh rủi ro để kiếm lời.
 
Cũng chính xuất phát từ lý do đó, ông Hương cho biết, ngân hàng này sẽ chuyển dần theo hướng giảm phụ thuộc vào nguồn thu vào tín dụng, đồng thời tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ. “Hiện tại, nguồn thu nhập lớn nhất của Eximbank vẫn từ hoạt động tín dụng, với 70 - 80%, trong khi theo chuẩn mực của một ngân hàng hoạt động an toàn, thì tỷ lệ này chỉ ở mức 50 - 55%”, ông Hương nói.
 
Thực tế, lợi nhuận giảm mạnh trong năm nay không phải là trường hợp cá biệt của Eximbank, mà hầu hết các nhà băng đều gặp phải tình trạng tương tự. Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm của các ngân hàng đưa ra đều cho thấy, lợi nhuận quý III sụt giảm đến 80 - 90%, do nợ xấu tăng cao, trích dự phòng rủi ro nhiều. Trong đó, ngoài việc lãi thuần trong hoạt động tín dụng sụt giảm mạnh, còn có các khoản lỗ từ kinh doanh chứng khoán.
 
Mặc dù đã thoát lỗ trong hoạt động kinh doanh vàng (quý III năm nay, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối đã mang về cho ACB xấp xỉ 10 tỷ đồng tiền lãi, so với mức lỗ 1.144 tỷ đồng cùng kỳ năm 2012), song chất lượng nợ của ACB đang xấu đi đáng kể khi tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm ngày 30/9 chiếm 3,34% tổng dư nợ, so với 2,5% tại thời điểm cuối năm 2012. Trong khi nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn giảm không nhiều, thì nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng gấp hơn 3 lần, với 2.341 tỷ đồng. Tổng cộng tính đến ngày 30/9, ACB có 3.491 tỷ đồng nợ xấu, tăng 35,8% so với đầu năm, kéo theo trích lập dự phòng tăng cao.
 
Lãnh đạo ACB thừa nhận, trong bối cảnh chung của thị trường, hoạt động tín dụng của ACB không đạt như kỳ vọng, nợ xấu tăng… chính là nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm, thay vì tăng cao như các năm trước.
 
Trong 9 tháng đầu năm nay, ACB đạt lợi nhuận trước thuế 1.480 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.117 tỷ đồng. Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng trong năm nay của ACB không dễ đạt được.
 
Hoạt động của ngành ngân hàng trong năm tới được dự báo sẽ còn khó khăn, do tình hình kinh tế chưa mấy cải thiện, tồn kho tăng và sức mua còn yếu. Vì thế, lãnh đạo các nhà băng đã thay đổi chiến lược kinh doanh, cắt giảm, điều chỉnh nhân sự từ bộ phận bán hàng gián tiếp qua bán hàng trực tiếp để giảm thiểu chi phí.
 
“Ai kiếm được nhiều tiền hơn giám đốc chi nhánh thì sẽ được đưa lên làm giám đốc chi nhánh, ai kiếm nhiều tiền hơn tổng giám đốc thì sẽ làm tổng giám đốc. Tương tự, với Chủ tịch HĐQT, ai kiếm tiền giỏi hơn cũng sẽ được thay thế vị trí này”, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn nhấn mạnh và cho biết, ngân hàng ông đã thay đổi cơ chế tiền lương và thu nhập của cán bộ, nhân viên theo hướng như vậy nhằm kích thích tăng trưởng lợi nhuận.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo