Ngân hàng lãi lớn nhờ đâu?
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của một số ngân hàng vừa được công bố cho thấy, hoạt động của ngành đã bớt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo các ngân hàng và chuyên gia, lợi nhuận cao đạt được chủ yếu vẫn nhờ cho vay lãi suất cao.
Nhiều ngân hàng báo lãi lớn
Dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng qua mới đạt 3,52%, chỉ bằng 1/3 mục tiêu trong năm 2014, tuy nhiên, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng mới được công bố cho thấy nhiều điểm sáng.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm diễn ra mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết đạt mức lãi trước thuế 2.778 tỷ đồng nhờ tín dụng tăng trưởng gần gấp đôi so với trung bình ngành.
Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 lợi nhuận trước thuế đạt 151 tỷ. Nếu không phải trích lập dự phòng rủi ro, tổng lợi nhuận lên tới 598 tỷ (tăng 26% so với năm 2013). Đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của ngân hàng là nguồn lãi thu được từ cho vay cá nhân (chiếm 46%) và cho vay mua nhà (tăng 38% so với cùng kỳ năm trước).
Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank Nguyễn Văn Thắng cho biết, dù tín dụng chỉ tăng trưởng 2,8%, thấp hơn trung bình ngành nhưng 6 tháng đầu năm, ngân hàng vẫn ước đạt xấp xỉ 50% kế hoạch lợi nhuận mà đại hội cổ đông đề ra (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng).
Theo ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), trong 6 tháng, tổng dư nợ của ngân hàng đạt 121.670 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.531 tỷ đồng. Ngân hàng xếp chiếu dưới TPBank cũng cho biết đạt lợi nhuận lũy kế 263 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch năm 2014.
Tín dụng TPBank tăng trưởng thuộc top dẫn đầu với mức 8,8%, trong đó dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%. Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) thông báo, 6 tháng đạt 212 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Dư nợ tín dụng đạt 13.034 tỷ đồng, tăng 905 tỷ đồng (tương đương tăng 7,46%) so với năm 2013.
Lãi nhiều nhờ cho vay cao?
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong khi lãi suất huy động thấp, mức cho vay ra của các ngân hàng lại ở mức khá cao. Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 6-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng. Lãi suất huy động với tiền gửi không kỳ hạn phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm trong khi lãi suất cho kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ ở mức từ 5%-6%/năm.
Về đầu ra, các NHTM cổ phần cho vay phổ biến ở mức 10%-12% đối với vay trung và dài hạn. Có ngân hàng vẫn có những khoản vay 13%. Đáng chú ý, mức lãi suất cho vay USD của các ngân hàng cũng không hề rẻ, phổ biến ở mức 6%-7% với khoản vay kỳ hạn dài. Vay ngắn hạn lãi suất cũng ở mức 4,5-6%. Trong khi đó, lãi suất huy động đầu vào bằng USD của các ngân hàng chỉ quanh mức 1% cho kỳ hạn 12 - 60 tháng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, thành viên HĐQT của một ngân hàng vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng cũng thừa nhận, phần lớn lợi nhuận của ngân hàng nơi ông đang làm việc xuất phát chính từ chênh lệch lãi suất huy động và cho vay. Những ngân hàng đạt mức dư nợ cho vay cao thời gian qua sẽ đạt mức lợi nhuận tốt hơn so với các đơn vị khác.
“Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng vẫn phải tìm kiếm lợi nhuận từ nhiều nguồn khác như: dịch vụ thanh toán, ngoại tệ, chứng khoán…
Đây sẽ là nguồn thu chủ yếu đối với các ngân hàng cho vay được ít. Còn phần lớn các ngân hàng khác, lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ mảng tín dụng. Các hoạt động khác mang lại lợi nhuận không đáng kể”, vị này xác nhận.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á, ông Cao Sĩ Kiêm cho biết, so với năm ngoái, doanh số cho vay của ngân hàng tăng lên khá nhiều.
“6 tháng đầu năm, Đông Á Bank đạt được lợi nhuận trước thuế tương đương 50% kế hoạch đề ra (tương đương 250 tỷ đồng). Đây là kết quả hoạt động khá tốt. So với mức lạm phát hiện nay, lãi suất cho vay là hợp lý. Nhưng với doanh nghiệp thì không hợp lý”, ông Kiêm cho biết.
Cựu CEO một ngân hàng khá nổi tiếng trong giới ngân hàng xác nhận, hơn 80% lợi nhuận của các ngân hàng hiện tại đều xuất phát từ tín dụng. Dù tăng trưởng tín dụng không cao nhưng nhờ chênh lệch lãi suất huy động đầu vào thấp và cho vay ra cao (có nhiều khoản vay chênh lệch tới 7%-8%) nên các ngân hàng vẫn đạt được mức lãi cao trong 6 tháng đầu năm. Điều này cũng lý giải cho việc vì sao các doanh nghiệp vẫn hay kêu ca về việc phải trả lãi suất cao cho các khoản vay của mình.
“Lợi nhuận ngân hàng, không phải nghi ngờ gì cả, chủ yếu đến từ tín dụng. Những ngân hàng nào, hoạt động dịch vụ khác thật tốt, lợi nhuận cũng chỉ đóng góp tối đa được 20% vào tổng lợi nhuận chung.
Ngay cả các hoạt động như kinh doanh ngoại hối, thanh toán thẻ, thanh toán quốc tế cũng thường chỉ đóng góp từ 12%-15% tổng lợi nhuận chung. Nhìn trong bức tranh chung, hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn”, vị này phân tích.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Cột tin quảng cáo