Ngân hàng nào chạm đích kế hoạch năm 2012?
Phần lớn các ngân hàng thương mại đều không đạt, thậm chí tỷ lệ hoàn thành rất thấp, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2012. Dự kiến chỉ số ít có khả năng chạm đích một số chỉ tiêu cơ bản.
Khoảng một tuần nữa dữ liệu về kết quả kinh doanh năm 2012 mới được các ngân hàng thương mại xứ lý xong. Thêm một thời gian để tính số liệu hợp nhất, thực hiện kiểm toán rồi mới công bố chính thức.
Đảo ngược thông lệ
Nhiều năm qua, không chỉ riêng khối ngân hàng, sáu tháng cuối năm thường là thời điểm tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh. Nửa cuối năm, nhất là quý 4, được xem là mùa cao điểm sản xuất kinh doanh, kết quả tốt hơn các quý trước.
Nhưng năm nay, với khối ngân hàng, thông lệ đó đảo ngược; kinh doanh trong 6 tháng cuối năm còn khó khăn hơn.
Nhận định trên được một phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) đưa ra khi trao đổi về tình hình kết quả kinh doanh năm 2012 vừa qua.
DongA Bank nằm trong số ít ngân hàng thương mại có khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, khi dữ liệu kết thúc 9 tháng đầu năm khá ấn tượng. Một số chỉ tiêu lớn như tổng tài sản, huy động vốn, cho vay sau 9 tháng đã đạt trên 90%; riêng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt gần 70%. Nhiều khả năng phần còn lại sẽ hoàn tất trong quý 4.
Vị phó tổng giám đốc trên cho biết, khoảng một tuần nữa mới có những con số chốt lại, song ước tính DongA Bank đã hoàn thành các chỉ tiêu chính. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, nếu dựa trên kết quả 9 tháng và “căn” theo thông lệ tăng tốc vào nửa cuối năm như trước đây thì không hẳn sẽ đúng.
Năm nay đã có sự đảo ngược: nửa cuối 2012 hoạt động ngân hàng lại khó khăn hơn nửa đầu 2012. Trước hết là việc thực hiện rút phần lớn lãi suất các khoản nợ cũ về tối đa 15%/năm theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tác động lớn tới việc thực hiện các chỉ tiêu, đặc biệt là lợi nhuận, trong khi tín dụng vẫn không thể đẩy mạnh. Thứ nữa, nửa cuối 2012, nợ xấu nhìn chung tiếp tục tăng lên, sẽ phản ánh đầy đủ hơn ở kết quả chung, mà đi cùng là yêu cầu tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Cùng với DongA Bank, Ngân hàng Quân đội (MB) dự kiến sẽ là một trong số ít có khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao.
Thông tin bước đầu cho thấy, năm 2012 MB đạt tăng trưởng tín dụng khoảng 21 - 22%, cao hơn kế hoạch ban đầu 17%; lợi nhuận trước thuế (chưa tính các công ty con) đạt khoảng 95% kế hoạch; tổng tài sản đạt trên 160 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 92% kế hoạch; nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
Ngoài ra, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có khả năng chạm đích các chỉ tiêu kế hoạch chính năm 2012. Trung tuần tháng 11/2012, ngân hàng này định hạ một số chỉ tiêu, song sau khi “xét tình hình thực tế” thì đã hủy việc xin ý kiến cổ đông. Theo đó, có thể hiểu họ “không buông súng” dù quỹ thời gian còn lại của năm hạn hẹp.
“Đã quen với khó khăn rồi”
Trao đổi với báo chí tuần qua, một lãnh đạo của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vương (VPBank) nói rằng: “2012 là một năm nhiều khó khăn, các ngân hàng đã quen với khó khăn rồi”.
Điều đó được ông gián tiếp giải thích cho việc thực hiện các kế hoạch trong năm qua, cũng như sự thận trọng khi hướng về năm 2013.
Với VPBank, kết quả ấn tượng nhất năm 2012 là huy động vốn, tăng tới 88% so với cuối 2011 và vượt xa chỉ tiêu (tăng 56%); tổng tài sản không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn tăng trưởng khá cao với 22% (đạt trên 98.000 tỷ đồng); tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 16%, dù Ngân hàng Nhà nước cho phép 30%. Con số lợi nhuận hiện chưa được công bố.
“Đã quen khó khăn” cũng là quan điểm mà vị phó tổng giám đốc DongA Bank chia sẻ. Ông cho biết, hai năm gần đây ngân hàng mình rất thận trọng khi đề ra các chỉ tiêu kinh doanh, có thể nói là khiêm tốn và “không đua theo tốc độ của các ngân hàng khác”. Chính vì thế mà một số cổ đông không hài lòng và chưa đồng cảm.
“Thực tế cho thấy các chỉ tiêu và việc thực hiện không quá quan trọng, mà quan điểm hoạt động an toàn, chắc chắn trong bối cảnh khó khăn những năm qua. Đến nay tôi nghĩ các cổ đông hiểu và ủng hộ hướng đi này”, lãnh đạo DongA Bank nói.
Khi đề cập đến vấn đề chỉ tiêu và hoàn thành chỉ tiêu, tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ ở phía Nam cho rằng: “Bạn không nên đong đếm ngân hàng nào thực hiện chỉ tiêu tốt hay không tốt. Các tỷ lệ cao, con số cao chưa hẳn đã tốt. Phải nhìn phía sau nó, anh có an toàn, khỏe mạnh hay không”.
Theo ông, điều cần đánh giá và đề cao là chất lượng của báo cáo tài chính của mỗi nhà băng. Báo cáo đó có chính xác không, chất lượng các tài sản, mức độ đánh giá rủi ro và việc trích lập dự phòng như thế nào.
“Tôi có thể có các kết quả kinh doanh thấp hơn anh, nhưng khả năng chống đỡ với khó khăn tốt hơn. Sắp tới nếu có khó khăn hơn nữa chúng tôi vẫn vững, vì đã dự liệu rồi, đã trích lập cẩn trọng và phòng xa đầy đủ rồi. Đó mới là điều quan trọng”, ông nói.
Và vị tổng giám đốc này cho rằng, vừa rồi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu đúng đắn, khi buộc các ngân hàng phải “treo” cổ tức, hoãn tăng lương - thưởng (nếu có), để rà soát lại việc trích lập dự phòng rủi ro có đúng, đầy đủ hay không rồi mới cho chia. Bởi trước đây, nhiều trường hợp có lãi đồng nào thì chia hết đồng đó, đến khi khó khăn, nợ xấu thiều nguồn dự phòng và ăn cả vào vốn điều lệ…
Nhật Minh (Theo VnEconomy)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo