Ngân hàng ngại giảm lãi suất
Ưu đãi nhỏ giọt
Dù đã bước vào vụ sản xuất, kinh doanh phục vụ dịp Tết cận kề, nhưng nhiều ngân hàng dè dặt đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp.
Cuối tháng 11, Ngân hàng Sacombank mới tung ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương ở chợ tại TP.Hồ Chí Minh.
Lãi suất cho vay chỉ 10%/năm trong 3 tháng đầu, thời hạn vay tối đa 6 tháng. Tuy vậy, gói tín dụng này chỉ kéo dài đến hết tháng 1-2013. Tháng 10, Ngân hàng Eximbank dành 4.500 tỷ đồng, lãi suất 9-10%/năm cho doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ…
Ngân hàng đã dư thừa thanh khoản
Hôm qua, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho biết, vốn tại các ngân hàng đang cơ cấu không hề bị giảm cho thấy lòng tin của người gửi tiền vẫn ổn định trong quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng. Hiện ngân hàng đã có sự dư thừa về mặt thanh khoản. Tốc độ tăng nợ xấu đã có xu hướng tăng chậm lại từ quý II và xuống chỉ còn 3%-4%/năm trong quý III-2012. Ước tính, tỷ lệ nợ xấu có thể giảm xuống mức 3% vào cuối năm 2015.
Về việc xử lý nợ xấu, theo ông Bình, Ngân hàng Nhà nước đã soạn thảo đề án xử lý nợ xấu gồm một loạt giải pháp liên quan nhiều bộ, ban, ngành và công ty xử lý tài sản. Đề án đề cập việc ai là người xử lý nợ xấu, thời gian nào, giá nào, cơ chế xử lý. Đề án đã hoàn thành và Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ.
Khảo sát tại một số chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng trên đường Láng Hạ (Hà Nội), cho thấy, chưa có nhiều chương trình ưu đãi vốn, lãi suất thấp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịp Tết năm nay.
Ngân hàng Techcombank hiện có chương trình vốn siêu linh hoạt dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (doanh thu 100 tỷ đồng) trong thời gian 12 tháng.
Một cán bộ tín dụng của Techcombank cho biết: “Hiện ngân hàng có hai hình thức vay cho doanh nghiệp: một là vay theo hạn mức, thời gian tối đa 6 tháng. Hai là vay trong 12 tháng nhưng hạn mức vay thấp hơn. Lãi vay là 14-15%/năm. Còn lãi suất cho vay cá nhân từ 16-17%/năm”.
Theo nhân viên này, đây là mức lãi vay thấp nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (trừ các ngân hàng quốc doanh có lãi suất thấp hơn khoảng 1-2 điểm phần trăm)
Sau hai tuần công khai lãi suất cho vay và mức tối đa 15%/năm, Ngân hàng VIB tăng lãi suất lên 15,79%/năm. Chỉ những khách hàng vay mới để mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà, cá nhân kinh doanh mới được ưu đãi lãi suất 9,9%/năm trong 3 tháng đầu.
Nhưng người vay phải có tài sản thế chấp, kết quả kinh doanh tốt, phương án khả thi... Trong khi đó, lãi suất cho vay phổ biến ở các ngân hàng thương mại khác là 16-17%/năm với những điều kiện khắt khe.
Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty Cổ phần Thúy Đạt (Nam Định), doanh nghiệp sản xuất khăn xuất khẩu, ngao ngán nói: “Trước tôi vay vốn của 5 ngân hàng và đã được giảm lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm. Nhưng giờ tôi chỉ còn vay của 3 ngân hàng, và sắp tới sẽ chấm dứt hợp đồng với một ngân hàng nữa. Vì chúng tôi làm còng lưng mà không đủ nuôi ngân hàng”.
Theo ông Châu, Ngân hàng BIDV hiện cho công ty vay vốn với lãi suất 12%/năm (bằng VND). Cán bộ tín dụng của BIDV vừa đánh tiếng có thể đầu năm 2013 sẽ giảm lãi vay xuống 10%/năm. Nhưng vị giám đốc này nói: “Lãi vay phải giảm nữa, khoảng 7-8% thì may ra doanh nghiệp mới sống được”.
Giảm lãi suất, ngân hàng sợ lỗ
Phó tổng giám đốc một tổng công ty xây dựng lớn tại Hà Nội (đang ráo riết tìm vốn cho dự án nhà ở xã hội) nói: “Các ngân hàng thương mại chào lãi suất cao quá so với chi phí tài chính và hiệu quả đầu tư nhà giá rẻ. Đơn cử, lãi suất cho vay riêng dự án nhà ở xã hội tại BIDV chỉ khoảng 12,5%, Vietinbank là 15%/năm (cả dự án nhà thương mại). Nếu vay thương mại thì doanh nghiệp không thể đầu tư nhà ở xã hội được”.
Theo vị lãnh đạo này, nếu doanh nghiệp vay lãi suất 12,5%/năm thì trong 3 năm đầu tư, chi phí vốn lên tới 37,5%, dự án không còn hiệu quả. Hơn nữa, lợi nhuận của dự án nhà ở xã hội bị khống chế ở mức 10% giá bán.
Do đó, trong khi chờ đợi tín hiệu giảm lãi suất, doanh nghiệp này tìm kiếm nguồn vốn ngoại với lãi suất rẻ hơn, chỉ 4-5%/năm (bằng VND) hoặc 2,5-3%/năm (bằng USD).
Trước thông tin Chính phủ họp bàn giảm lãi suất, áp trần lãi vay, nhiều chủ doanh nghiệp rất đồng tình nhưng tỏ vẻ hoài nghi.
Ông Châu nói: “Đáng lẽ, Ngân hàng Nhà nước phải áp trần lãi suất cho vay, còn thả nổi lãi suất huy động từ lâu rồi. Vì chỉ cần khống chế lãi vay ở mức 15%/năm, các ngân hàng thương mại buộc phải hạ lãi suất huy động bằng cách giảm theo từng nấc: thời điểm này giảm về 9-10%/năm, sang năm 2013 giảm tiếp về 8-9%/năm…”.
Có như vậy, hàng hóa sản xuất ra mới cạnh tranh được ở thị trường nội địa và xuất đi nước ngoài, giải phóng hàng tồn kho.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết: “Các ngân hàng chỉ mới rậm rịch giảm lãi suất, vẫn phải chờ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Giảm lãi vay đồng nghĩa là giảm lợi nhuận nên thực sự, chẳng ai muốn đâu”.
Theo lãnh đạo này, với biên độ lãi suất huy động - cho vay dự kiến khoảng 3-4%/năm, trần lãi suất là 9%/năm, thì trần cho vay tối đa là 13%/năm. Nhưng có ngân hàng sẽ thu thêm nhiều khoản phí để đẩy lãi vay lên 15%/năm.
Về lý thuyết, ngân hàng huy động 8%, thì mức lợi nhuận biên 3-4% là hợp lý trong điều kiện thị trường minh bạch. Nhưng thực tế, ngân hàng đã phải chi phí lớn cho việc huy động vốn giá cao trước đó, trích dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu tăng. Hơn nữa, các khoản nợ gốc và lãi đều khó thu hồi nên nhà băng đã bị đọng vốn, đọng lợi nhuận.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nhận định: “Giảm lãi vay là cần thiết nhằm cứu doanh nghiệp. Nhưng mức chênh lệch lãi suất đầu ra - vào chỉ 3-4% sẽ khó đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng, thậm chí còn bị lỗ. Mặt khác, tình trạng lách trần, đi đêm lãi suất có thể sẽ lại tiếp diễn và phức tạp hơn”.
Theo ông Hiếu, việc cào bằng lãi suất cho vay với mọi đối tượng khách hàng, loại hình vay sẽ làm tăng rủi ro cho ngân hàng. Đặc biệt, vì sợ “ăn” vào lợi nhuận, nên ngân hàng sẽ khó chấp nhận giảm lãi suất ngay. Chỉ một số ngân hàng quốc doanh có nguồn vốn giá rẻ mới có khả năng giảm lãi suất xuống dưới 10%/năm.
Việt Nguyên (Theo Tiền Phong)
End of content
Không có tin nào tiếp theo