Tin tức - Sự kiện

Ngân hàng nhà nước cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp với 28 doanh nghiệp

Đó là số liệu báo cáo được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo bền vững vừa được tổ chức.

Theo báo cáo, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%/năm (từ tỷ lệ 7,8% xuống còn 5,8-6%). Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014). Nhiều chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt hơn nguồn lực đầu tư và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

 
Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo và phát triển nông thôn bền vững, trong năm vừa qua, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP 05/3/2014 của Chính phủ và đã lựa chọn 28 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình thí điểm.
 
Đồng thời, toàn ngành Ngân hàng cũng đã tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách đối với các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, các chương trình tín dụng đặc thù phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
Đến cuối năm 2014, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm (tăng trưởng tín dụng từ 12-14%). Riêng dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội) ước đạt 758.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cuối năm 2013. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách nhằm xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Cuối năm 2014, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội ước đạt 129.456 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cuối năm 2013 với hơn 8 triệu hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn. Cơ cấu tín dụng có sự chuyển biến tích cực, dòng vốn ngân hàng được hướng vào sản xuất, một số lĩnh vực trong thị trường bất động sản và các lĩnh vực ưu tiên phát triển theo chủ trương của Chính phủ.
 
Được biết, năm 2015, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 đã xác định mục tiêu phấn đấu đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội. Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước tới mức thấp hơn 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo; đưa thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.
Theo DDDN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo