Thị trường

Ngân hàng Nhà nước đang “đỡ” tỷ giá USD/VND

Nếu Ngân hàng Nhà nước không “đỡ”, giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại những ngày qua đã có thể giảm mạnh hơn.

HSBC: “Chúng tôi tin tưởng dòng đầu tư tích cực đã giúp Ngân hàng Nhà nước tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, cải thiện khả năng đảm bảo nhập khẩu của Việt Nam mặc dù mức dự trữ còn thấp so với đa số các nước trong khu vực châu Á”.

Lần đầu tiên kể từ sau ngày 7/8/2013 (ngày Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh giá mua vào USD để chặn đà giảm nhanh của tỷ giá), mức giá USD bán ra của nhiều ngân hàng thương mại mới trượt về 21.110 VND như những ngày qua.

Mức giá bán ra trên không mấy thay đổi so với sự ổn định 21.115 VND từ cuối 2013 đầu 2014. Nhưng, mốc 21.110 VND lại cho nhiều thông tin.

“Đỡ” tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào

Cận Tết Nguyên đán 2012, sau nhiều năm thị trường ngoại hối mới chứng kiến một diễn biến trái chiều: hoạt động chuyển đổi USD sang VND thể hiện mạnh mẽ, các ngân hàng thương mại liên tục hạ giá USD trên biểu niêm yết, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục mua vào. Dấu ấn của thời điểm này cũng là hiện tượng hiếm thấy, các nhà băng hạ giá mua vào USD thấp hơn tới 300 VND so với giá bán ra.

Cận Tết Nguyên đán 2013, dù không thể hiện mạnh mẽ như năm liền trước, song giao dịch trên thị trường ngoại hối và tỷ giá USD/VND cũng có diễn biến tương tự.

Cận Tết Nguyên đán năm nay, hơi hướng của một sự tương tự cũng đang thể hiện.

Thời điểm chuyển giao năm 2013 sang 2014, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 24/12 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước đang mua vào ngoại tệ.

Trong tuần này, hoạt động mua vào đó thể hiện rõ nét hơn, cùng với xu hướng giảm của giá USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Đặc biệt, trong ngày 10/1, ngày giao dịch cuối tuần, mức thấp nhất của tỷ giá USD/VND trên thị trường này đã rơi xuống 21.085 VND, tức thấp hơn đáng kể so với mức mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (21.100 VND). Và dự trữ ngoại hối đang tăng lên…

Xuyên suốt ba kỳ cận Tết nói trên, hoạt động chuyển đổi vốn USD sang VND thể hiện rõ, có tác động chính từ định hướng ổn định tỷ giá, với giới hạn mục tiêu như một cam kết mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Năm 2014 là dự kiến tăng không quá 2%.

Thứ nữa, cận Tết, mùa cao điểm chi trả, bao gồm cả lương thưởng tại doanh nghiệp, cầu VND thường tăng lên, mà chuyển đổi từ ngoại tệ là một ứng xử. Và trước cam kết tỷ giá không tăng quá 2% năm nay, cân nhắc lợi ích nắm giữ so với VND qua chênh lệch lãi suất cũng là một yếu tố kích thích chuyển đổi.

Dĩ nhiên, diễn biến của tỷ giá USD/VND, hay cung - cầu ngoại tệ trên thị trường còn tùy thuộc vào những cân đối vĩ mô khác (sẽ đề cập phần sau).

Song, trở lại với sự kiện ngày 7/8/2013, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh giá mua vào USD, từ mức 20.826 VND lên 21.100 VND, thêm một “cái neo” đối với kỳ vọng của thị trường đã được thả, bên cạnh cam kết giới hạn biến động. Như trên, mốc 21.110 VND mà các ngân hàng thương mại đang yết cho nhiều thông tin, bởi tỷ giá khó xuống dưới mức này, khi Ngân hàng Nhà nước đã chặn mua ở 21.100 VND từ bấy đến nay.

Một mặt, Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu gia tăng nguồn lực ngoại hối bằng mua vào. Mặt khác, nếu để tỷ giá rơi quá sâu sẽ gây bất lợi đối với hoạt động xuất khẩu, hẳn họ phải cân nhắc.

Nhiều yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá

Tuần này, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC có bản nhận định riêng về “Triển vọng tiền tệ Việt Nam”, tập trung vào vấn đề tỷ giá. Có những phân tích đáng chú ý.

Theo HSBC, thuận lợi đầu tiên cho ổn định tỷ giá USD/VND là cán cân thanh toán của Việt Nam tiếp tục theo xu hướng ổn định. Cán cân thương mại đã phục hồi vào nửa sau năm 2013 do tình hình xuất khẩu tốt hơn, điều này được hỗ trợ bởi đồng VND yếu đi và các yếu tố mùa vụ.

Bên cạnh đó, các lợi thế cơ cấu như giá nhân công cạnh tranh đã có thể đóng góp vào triển vọng xuất khẩu tươi sáng hơn. Xu hướng tái cơ cấu đang tiếp diễn làm suy giảm tiêu thụ và nhu cầu đầu tư trong nước và từ đó kéo theo nhu cầu nhập khẩu giảm. Điều này có thể sẽ còn xảy ra vào năm 2014.

“Thặng dư thương mại mặc dù khiêm tốn cộng với dòng kiều hối mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tài khoản vãng lai”, HSBC nhận định.

Đáng chú ý trong diễn biến tỷ giá năm qua và thời gian tới được nhấn mạnh trong bản nhận định trên là dòng chảy thuận lợi của vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp (FII).

Dòng đầu tư FDI đã mạnh lên trong năm 2013. Chỉ mười tháng đầu năm, vốn đăng ký đã đạt tới 19,2 tỷ USD, tăng 65,5% và vượt chỉ tiêu cả năm của Chính phủ là 13 tới 14 tỷ USD.

Đầu tư danh mục cổ phiếu cũng chứng kiến xu hướng tăng ổn định vào năm 2013 khi triển vọng kinh tế của Việt Nam được cải thiện. Trong quý 4/2013, tăng trưởng GDP đạt 6%, rất nhanh từ mức 5,5% trong quý 3. Triển vọng tăng tưởng tốt hơn có khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.

Các tác giả của bản nhận định nhìn nhận: “Chúng tôi tin tưởng dòng đầu tư tích cực đã giúp Ngân hàng Nhà nước tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, cải thiện khả năng đảm bảo nhập khẩu của Việt Nam mặc dù mức dự trữ còn thấp so với đa số các nước trong khu vực châu Á”.

Ở yếu tố khác, theo HSBC, lạm phát nhìn chung ổn định; do nhu cầu yếu do tình hình thắt chặt vay mượn. Mặc dù gần đây chỉ số CPI có xu hướng tăng nhẹ nhưng có rất ít rủi ro chỉ số này tăng cao hơn lãi suất chính sách trong thời gian sắp tới. Chính vì vậy, lãi suất thực tế vẫn ở ngưỡng tích cực và hỗ trợ giảm những nguy cơ đô la hoá.

“Tuy nhiên, triển vọng này vẫn có nhiều rủi ro. Ổn định về tài khoản vãng lai và lạm phát thường có khuynh hướng ngắn hạn và chúng ta vẫn cần một chính sách tiền tệ đúng đắn để kiểm soát hai yếu tố này. Dấu hiệu nới lỏng tiền tệ quá mức hay một đợt tăng lạm phát sẽ mang tính chất cảnh báo đối với đồng nội tệ”, HSBC cảnh báo.

Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng trên GDP, mặc dù thấp hơn đỉnh năm 2012, vẫn ở mức tương đối cao so với tốc độ phát triển kinh tế (tỷ lệ này là 93% so với 125% năm 2010). HSBC cho rằng, điều này cho thấy tình hình thắt chặt vay mượn và tái cơ cấu sẽ còn tiếp tục diễn ra, sẽ tăng thêm áp lực đối với chất lượng tín dụng của các ngân hàng và làm trì trệ tốc độ tăng trưởng của kinh tế.

Theo Vneconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo