Ngân hàng Nhà nước mua 7,7 tỷ USD từ đâu và như thế nào?
Với lượng mua vào liên tiếp và mức độ lớn từ năm 2011 đến nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên mức cao nhất từ trước đến nay, ước tính cao hơn rất nhiều so với năm 2007 - năm bùng nổ của vốn ngoại khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một nguồn lực quốc gia được củng cố. Theo đó, có thể kỳ vọng hạng mức tín nhiệm quốc gia đang có một yếu tố hỗ trợ để có những đánh giá tốt hơn từ các tổ chức quốc tế; cùng với đó, nguồn lực cần thiết để ổn định tỷ giá cũng góp phần cải thiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng, có những câu hỏi cơ bản và cả quan ngại về hoạt động mua vào này, gắn với quy mô “khủng” nói trên.
Vì sao Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng ngoại tệ lớn như vậy? Nguồn bán lại từ đâu? Nguồn tiền mua ngoại tệ lấy ở đâu? Việc mua ngoại tệ với một lượng lớn, đồng nghĩa với việc phải bơm một lượng lớn tiền đồng ra nền kinh tế sẽ gây áp lực tới lạm phát và khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ như thế nào?
Ngân hàng Nhà nước đưa ra những thông tin đáng chú ý.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn là do trong quý 1/2014 lượng cung ngoại tệ tương đối dồi dào trong khi cầu ngoại tệ tương đối thấp. Các số liệu thống kê cho thấy trong quý 1, cả nước xuất siêu khoảng 1 tỷ USD; nguồn kiều hối và các dòng vốn nước ngoài như đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp tiếp tục vào Việt Nam.
Thứ hai, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá đã và đang được thực hiện theo hướng nâng cao vị thế đồng Việt Nam, giảm lợi thế của việc nắm giữ ngoại tệ (trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước kết hợp chặt chẽ giữa việc quy định trần lãi suất huy động VND và USD phù hợp với kỳ vọng tăng tỷ giá).
“Việc điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã thực sự chủ động dẫn dắt thị trường, đi từ các tuyên bố, cam kết đến việc tổ chức triển khai quyết liệt và hiệu quả để đạt được các cam kết đó. Nhờ vậy mà xu hướng găm giữ ngoại tệ không còn diễn ra như trước nữa”, Ngân hàng Nhà nước đánh giá.
Cụ thể, trong quý 1 vừa qua, các tổ chức và cá nhân đã tích cực bán ngoại tệ cho hệ thống tổ chức tín dụng. Theo dõi số liệu cho thấy hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục trong nhiều ngày mua ròng ngoại tệ từ các khách hàng, sau đó bán lại cho Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh nguồn ngoại tệ mua được của các tổ chức và cá nhân, Ngân hàng Nhà nước còn mua được ngoại tệ của ngân sách Nhà nước, của các tổ chức quốc tế và mua được ngoại tệ của chính các tổ chức tín dụng.
Như vậy, nguồn ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước mua được không chỉ từ nguồn thặng dư từ hoạt động xuất, nhập khẩu, dòng vốn đầu tư nước ngoài…, mà còn mua được từ chính lượng ngoại tệ từ các khu vực trong nền kinh tế từng găm giữ, nay vị thế VND và lợi ích nắm VND cao hơn nên đã kích thích sự chuyển đổi.
Để mua ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sử dụng nguồn tiền cung ứng, được xác định và quyết định bởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo đạt được các mục tiêu chính sách tiền tệ. Để hạn chế áp lực tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng lạm phát, cơ quan này đã thực hiện các biện pháp can thiệp trung hòa tác động này ngay từ đầu năm.
Hiểu một cách nôm na, Ngân hàng Nhà nước đưa tiền ra qua kênh mua ngoại tệ nhưng thực hiện hút tiền về thông qua các kênh khác, mà ở đây chủ yếu hút tiền về qua việc phát hành tín phiếu trên nghiệp vụ thị trường mở.
Giải pháp hút tiền về một cách kịp thời, hài hòa để duy trì lượng thanh khoản cho hệ thống một cách hợp lý, không để dư thừa quá mức đã góp phần giảm áp lực lạm phát, giảm áp lực tăng tỷ giá. Đây cũng là kinh nghiệm được đúc rút từ chính năm 2007, khi lượng tiền cung ứng đưa ra mua ngoại tệ lớn, điều hòa chưa hợp lý là một trong những tác nhân khiến lạm phát bùng nổ ngay sau đó; và Ngân hàng Nhà nước đã phải gấp rút phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc đầu 2008…
Lần này, với 7,7 tỷ USD, lượng tiền cung ứng tương đương với gần 160 nghìn tỷ đồng - một quy mô rất lớn. Tuy nhiên, quy mô này không phải dồn cùng lúc, cũng không phải Ngân hàng Nhà nước dùng 160 nghìn tỷ đồng tiền mặt để mua.
Có thể hiểu, nhà điều hành sử dụng một lượng tiền mặt nhất định (tiền cung ứng), giả sử khoảng 21.000 tỷ đồng để mua 1 tỷ USD, nhưng ngay sau đó phát hành tín phiếu để hút 21.000 tỷ đồng đó về rồi lại dùng chính nó để mua tiếp ngoại tệ. Vòng quay “cuốn chiếu” một cách tương đối này giúp trung hòa tác động của lượng tiền cung ứng, nhất là ở khía cạnh áp lực lạm phát. Điểm tích tụ ở đây là khối lượng tín phiếu phát hành, vòng quay đáo hạn và lãi suất phải trả.
Mua được thêm 7,7 tỷ USD để tăng nguồn lực dự trữ quốc gia thì chi phí phải trả qua lãi suất tín phiếu là đương nhiên, nhất là với cả mục đích trung hòa tác động đến lạm phát.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh