Thị trường

Ngân hàng trấn an: Không phải vàng SJC vẫn được mua bán

Chiều 6/4, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp về Nghị định 24 quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước các thông tin thất thiệt liên quan đến vàng miếng khác để tránh các thiệt hại không đáng có.

Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 24, "vàng miếng" là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Đồng thời, Khoản 1 Điều 4 Nghị định 24 cũng khẳng định: "Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật".

 

Như vậy, quy định tại Nghị định 24 không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác. Các loại vàng miếng trên, bao gồm cả vàng miếng SJC và vàng miếng khác thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ, được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sau thời hạn chuyển tiếp do Ngân hàng Nhà nước quy định.

 

Theo ông Huy, dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24 đã được đưa ra lấy ý kiên, trong đó quy định thời hạn, thủ tục chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đang kinh doanh mua, bán vàng miếng.

 

Theo dự kiến, thời hạn chuyển tiếp đối với các đơn vị đang kinh doanh mua, bán vàng miếng tối thiểu là sáu tháng. Như vậy, các đơn vị hiện đang kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ có ít nhất bảy tháng rưỡi (kể từ khi Nghị định 24 được ký ban hành) để tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và có thời gian hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc chuẩn bị chuyển hẳn sang sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Nghị định.

 

Ông Nguyễn Quang Huy cho biết thêm,  nhu cầu mua, bán vàng của người dân sẽ được đáp ứng không chỉ thông qua mạng lưới các điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng của các doanh nghiệp mà còn cả các tổ chức tín dụng.

 

Các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng có thể mở thêm chi nhánh hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng để phục vụ nhu cầu của người dân. Đối với tổ chức tín dụng, hiện nay, chỉ riêng số điểm giao dịch của một số ngân hàng tham gia hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng đã lên tới hàng nghìn điểm giao dịch. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tích cực triển khai hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng trên mạng lưới của mình.

 

Các điểm giao dịch vàng miếng tập trung số lượng lớn ở hai thành phố lớn có nhu cầu mua, bán vàng miếng cao là thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đồng thời tất cả các tỉnh, thành phố thuộc trung ương sẽ có điểm giao dịch mua, bán vàng miếng. Do vậy, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu mua, bán vàng miếng của người dân.

 

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định thời hạn chuyển tiếp để các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Trong thời hạn này, người dân vẫn có thể tiếp tục mua bán vàng miếng tại các địa điểm như trước đây trong khi các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được cấp phép mua bán vàng miếng tiếp tục mở rộng mạng lưới mua bán vàng miếng để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân sau khi kết thúc thời hạn chuyển tiếp.

 

Theo VEF

 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo