Ngân hàng và doanh nghiệp đợi nhau
Ưu đãi cũng không vay được
Bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp GAP - cho biết công ty thuộc nhóm đối tượng được ưu tiên vay vốn nhưng hiện tại lãi suất vay của công ty vẫn đứng ở mức 16%/năm trong khi LS ưu tiên từ đầu tháng 5 đến nay là 15%/năm và nay là 14%/năm.
Dù đã lên kế hoạch đầu tư xây thêm nhà máy sấy khô thanh long để xuất khẩu sang thị trường Mỹ khoảng 200 - 300 tỉ đồng nhưng công ty vẫn chưa thể triển khai. Liên hệ với ngân hàng thì nhận được câu trả lời khi nào có giảm lãi suất sẽ thông báo. Tương tự, một doanh nghiệp dệt may tại TP. Hồ Chí Minh ấm ức, công ty đang có khoản vay trung hạn để xây dựng nhà xưởng và văn phòng gần 100 tỉ đồng từ đầu năm 2011 đến nay.
Khi nghe được áp trần lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu, công ty đề nghị ngân hàng xem xét lại để giảm ãi suất nhưng ngân hàng không đồng ý. Công ty vẫn đang trả lãi suất 18%/năm. "Nhà xưởng và văn phòng cũng là phục vụ cho hoạt động xuất khẩu nhưng lại không được ưu đãi lãi suất thấp như vay vốn lưu động" - Giám đốc công ty bức xúc.
Theo điều tra của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh tại gần 2.000 doanh nghiệp (thời gian thực hiện từ ngày 10/4 - 10/5), có đến hơn 44% doanh nghiệp phải vay với lãi suất bình quân trên 19%. Trong đó, có 24,5% doanh nghiệp đang vay với lãi suất trên 20%, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong số 521 doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỏi thì chỉ có 49 doanh nghiệp (9,4%) được hỗ trợ vốn vay. Tương tự, cũng chỉ có 6,5% doanh nghiệp xuất nhập khẩu được vay vốn với lái suất ưu đãi. |
Trong khi đó, chủ doanh nghiệp tư nhân B.H tại Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) cũng rầu rĩ khi cho biết ông vẫn đang phải trả lãi suất 17%/năm cho khoản vay từ năm ngoái. Bởi khi ông hỏi, ngân hàng cho biết phải trả hết nợ cũ thì mới giải ngân được khoản vay mới có lãi suất thấp hơn. Mà lúc này, vốn để duy trì sản xuất còn chưa đủ làm sao thanh toán hết nợ cũ cho ngân hàng.
Bên cạnh lãi suất vẫn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp cho biết giải pháp hỗ trợ mà nhà nước đã công bố không “thấm” đối với doanh nghiệp mình. Việc giãn thuế VAT không có tác dụng với doanh nghiệp xuất khẩu (thuế VAT bằng 0). Còn đối với việc lùi thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, bà Lê Thị Tú Anh cho rằng đến cuối năm doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận mới nộp thuế, còn nếu bị lỗ thì không nộp. Vì vậy điều đó không có tác dụng ở hiện tại.
Ngân hàng cũng “năn nỉ” doanh nghiệp
Phía các ngân hàng thì lý giải ngược lại. Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank) - Nguyễn Đức Hưởng cho biết, kể từ khi trần lãi suất cho vay còn 15%, và mới nhất giảm xuống còn 14%/năm, số lượng doanh nghiệp tìm đến với ngân hàng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, đang có một nghịch lý tồn tại, nhiều doanh nghiệp đi tiếp cận vốn rẻ thì tình hình tài chính có vấn đề, nên họ phải năn nỉ ngân hàng.
BIDV điều chỉnh giảm lãi suất cho vay Chiều 28/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo giảm lãi suất cho vay. Cụ thể đối với cho vay ngắn hạn thông thường các khách hàng có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, có định hạng tín nhiệm cao (theo xếp hạng tín dụng của BIDV), áp dụng lãi suất cho vay bằng lãi suất trần huy động cộng thêm 1 - 2%/năm, tương đương mức lãi suất từ 12 - 13%/năm. Cho vay ngắn hạn đối với các đối tượng ưu tiên của BIDV (bao gồm cho vay nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay công nghiệp phụ trợ, cho vay hỗ trợ xuất khẩu, cho vay khắc phục bão lũ), trần lãi suất cho vay 13%/năm. |
Với những doanh nghiệp có tình hình tài chính, năng lực tốt thì chưa muốn vay nên ngân hàng lại phải đi năn nỉ họ. Đó là lý do một số ngân hàng cũng e sợ không dám mạnh tay, bởi tình trạng nợ xấu, sức khỏe doanh nghiệp quá yếu.
Một lãnh đạo của Eximbank cũng cho biết, doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng đa phần phương án sản xuất kinh doanh chưa mang tính khả thi cao, thị trường đầu ra còn rất nhiều khó khăn, nên ngân hàng vẫn thận trọng xem xét. Eximbank đã công bố nhiều gói tín dụng trị giá hàng nghìn tỉ đồng tập trung cho doanh nghiệp xuất khẩu, nông, lâm, thủy sản… nhưng do doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện nên số tiếp cận được vốn không nhiều.
Bày tỏ quan điểm về việc hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, PGS-TS Nguyễn Thị Mùi đặt vấn đề, lãi suất chỉ có ý nghĩa thực sự khi doanh nghiệp “với tay” được đến đồng vốn rẻ. Nên chăng các ngân hàng mạnh dạn xóa, giãn hoặc giảm ngay lãi suất món vay cũ của khách hàng. Có như thế doanh nghiệp mới dám tính lại bài toán chi phí để vay vốn. Và để làm được điều này, ngân hàng phải chấp nhận chịu thiệt và cần có sự hỗ trợ của nhà nước.
TS Lê Thẩm Dương - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải xem xét bổ sung tiêu chí áp dụng trần lãi suất ngoài bốn nhóm được hưởng ưu tiên như doanh nghiệp có chất lượng tài chính cao, đảm bảo được tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng… Như vậy, sẽ góp phần khơi thông nguồn tín dụng từ ngân hàng đến với những doanh nghiệp đang cần vốn.
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo