Tin tức - Sự kiện

Ngân hàng VIB hành xử thiếu chuyên nghiệp

Các doanh nghiệp có lẽ đã chẳng gặp khó khăn và chết nhiều đến thế trong thời gian qua, nếu như Ngân hàng không tiếp tay cùng với thị trường gây thêm khó khăn cho họ. Không nói đến việc có hay không việc can thiệp vào công việc nội bộ của người khác, chỉ riêng việc đóng tài khoản của Công ty CP Cung ứng tàu biển (CUTB)và giữ luôn hơn 1 tỷ đồng của Công ty trong tài khoản với các lý do không thuyết phục đã nói lên tính thiếu chuyên nghiệp của VIB

Như dnhn.vn đã phản ảnh: Vụ việc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - Chi nhánh Trần Phú, Hải Phòng (VIB) lợi dụng việc tranh chấp tố cáo của một nhóm cổ đông (chiếm trên 21% vốn điều lệ) cố tình chiếm dụng vốn của công ty Cổ phần Cung ứng tàu biển Hải Phòng (CP CUTB), Ngân hàng đã ra thông báo ngừng giao dịch với Công ty từ tháng 08/2012 đến nay. 

 

Cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của VIB là ở chỗ lấy lý do chung chung là hình con dấu không trùng khớp để tạm khóa và phong tỏa tài khoản thanh toán của Công ty CP Cung ứng tàu biển.

 

Mặc dù, Công ty đã nhiều lần gửi công văn sang Ngân hàng để giải quyết kèm theo biên bản xác nhận tình trạng sử dụng con dấu của phòng PC64 (đơn vị cấp và quản lý con dấu) để khẳng định con dấu của Công ty đã và đang sử dụng hoàn toàn hợp lệ nhưng Ngân hàng vẫn cố tình không chấp nhận mở lại giao dịch theo yêu cầu từ phía Công ty...

 

Trong khi đó cũng con dấu đó đóng trên hóa đơn thanh toán tiền điện nước do VIB thuê địa điểm của CUTB thì Ngân hàng vẫn chấp nhận.

 

Đặc biệt hơn, cũng con dấu đó đóng trên hợp đồng tín dụng (Hợp đồng tiền gửi có kì hạn giữa Ngân hàng VIB và Công ty CUTB) thì cũng vẫn được Ngân hàng chấp nhận vì tính hợp lệ.

 

Với những lập luận nêu trên thiết nghĩ VIB chỉ cần ngồi lại cùng CUTB để cùng xác nhận lại những điều hiểu lầm và giải quyết sự việc theo đúng các qui định của pháp luật là xong, nhưng để "cải cách hành chính" VIB đã gửi công văn số: 053/VIB - TP yêu cầu Công ty đăng kí lại mẫu dấu giao dịch (lần thứ 13)


Bản thân công văn số 053/VIB Ngân hàng có căn cứ theo Nghị định số 101/2012/NĐ - CP về thanh toán không dùng tiền mặt để ra thông báo đăng kí lại mẫu dấu nhưng khoản 02 điều 12: về Tạm khóa và phong tỏa tài khoản thanh toán nêu rõ: "Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong các trường hợp sau: Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thanh toán..." vậy Ngân hàng dựa vào quyết định gì? văn bản nào? do cơ quan có thẩm quyền nào kí?

 

Trong khi ý kiến từ chối thanh toán của VIB lý do là con dấu không trùng khớp, Cơ quan Công an đã xác nhận con dấu đó là hợp pháp. Pháp luật nhà nước qui định Cơ quan Công an là người quản lý nhà nước về con dấu của các pháp nhân, vậy theo VIB ai mới là người được chứng thực con dấu. Bài học về việc phép vua thua lệ làng VIB nên tham khảo ở vụ việc Cục CSGT và qui định về việc phóng viên báo chí khi quay phim, chụp ảnh CSGT phải trình thẻ nhà báo mà dư luận "dậy sóng" trong thời gian vừa qua.


VIB là một ngân hàng lớn, số tiền hơn 1 tỷ đồng với doanh nghiệp là lớn, nó ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động của doanh nghiệp, nhưng với VIB, cách hành xử như đã nêu trên chưa ngang tầm với tên tuối Ngân hàng quốc tế của mình.

 

Ngày nay với việc chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước, quan hệ giữa Ngân hàng và các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp nói riêng và khách hàng nói chung thì cái duy nhất tạo ra sự khác biệt đó là chất lượng dịch vụ. 

 

Doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn chồng chất, chất lượng dịch vụ như VIB trong trường hợp này sẽ làm cho các khách hàng của VIB phải dè dặt, VIB sẽ đi về đâu nếu khách hàng quay lưng?

 

Hy vọng rằng lãnh đạo của VIB sẽ xem xét và giải quyết vụ việc này một cách thấu đáo.

 

(Đến nay, bức xúc của doanh nghiệp chưa được giải quyết nên nhóm phóng viên vẫn tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân sau xa của vụ việc để thông tin tới bạn đọc và doanh nghiệp).

 

 Nhóm PV


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo