Thị trường

Ngân sách Nhà nước chi hơn 62.000 tỷ để trả nợ lãi

(DNVN) - Chi trả nợ lãi ước thực hiện 7 tháng đầu năm 2017 đạt 62,29 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán năm, tăng 15,1% so cùng kỳ năm 2016.

Báo cáo của Bộ Tài chính ngày 11/8 cho thấy, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 7 ước 110,2 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 695,16 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 7 tháng đạt khoảng 119,36 nghìn tỷ đồng, bằng 33,4% dự toán năm, tăng 15,1% cùng kỳ năm 2016.

Riêng chi đầu tư XDCB, những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác giải ngân vốn đầu tư tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ những tháng gần đây đã và đang tạo chuyển biến trong thanh toán vốn đầu tư. Ước tính vốn đầu tư thanh toán trong tháng 7 tăng khoảng 1,8 lần so với tháng 6.

Ngân sách Nhà nước chi hơn 62.000 tỷ để trả nợ lãi.

Chi trả nợ lãi ước thực hiện 7 tháng đạt 62,29 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán năm, tăng 15,1% so cùng kỳ năm 2016. Chi thường xuyên ước thực hiện 7 tháng đạt 511,29 nghìn tỷ đồng, bằng 57% dự toán năm, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016.

Ở chiều ngược lại, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 7 ước đạt 98,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5 nghìn tỷ đồng so với tháng 6, lũy kế đến hết tháng 7, ước đạt 666,68 nghìn tỷ đồng, bằng 55% dự toán năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016. 

Trong đó, thu nội địa tháng 7 ước đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với tháng 6, chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II/2017 theo chế độ quy định, như: thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền cổ tức từ các công ty cổ phần do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; đồng thời, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh có xu hướng tăng, cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế  đã có ảnh hưởng tích cực đến số thu NSNN.

Lũy kế đến hết tháng 7 ước đạt 532,5 nghìn tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán năm, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu tiền bán bớt cổ phần sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạt 16,7% dự toán năm, bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2016; thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đạt 40,7% dự toán năm, giảm 11%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 93,5% dự toán năm, tăng 29,8%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 77,9% dự toán năm, tăng 13,8%; các khoản thu nội địa còn lại đạt 53,7% dự toán năm, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Thu từ dầu thô, tháng 7 ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 660 tỷ đồng so với tháng 6. Giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 6/2017 dao động ở mức thấp (khoảng 46-48 USD/thùng); giá dầu thanh toán bình quân trong kỳ khoảng 48 USD/thùng, giảm 2 USD/thùng so với giá dự toán năm.

 

Lũy kế đến hết tháng 7 ước đạt 27,1 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng dầu thanh toán 7 tháng ước đạt 7,94 triệu tấn, bằng 64,6% kế hoạch, bằng 88,6% so với cùng kỳ năm 2016; giá dầu thanh toán bình quân 7 tháng khoảng 53,7 USD/thùng, cao hơn 3,7 USD/thùng so với giá tính dự toán năm.

Báo cáo cũng cho thấy, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: Tháng 7 ước đạt 22 nghìn tỷ đồng, sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (6,1 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách đạt 15,87 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 7 ước đạt 165 nghìn tỷ đồng, bằng 57,9% dự toán năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (59,5 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 105,58 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán năm.

Kết quả, đến hết tháng 7/2017, bội chi ngân sách trung ương ước là 87.200 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 50,6% dự toán; ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo