Đại diện Bộ Tài Chính cho biết, kết quả này có được nhờ một số địa phương đã đẩy thu “mạnh tay” trong những tháng cuối năm, vượt dự toán đề ra hoặc giảm đáng kể số hụt thu theo dự kiến.
Trước đó, ngày 9/12, Bộ Tài chính đã ra công văn đề nghị Giám đốc Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức làm việc liên tục các ngày trong tuần, kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật đối với các đơn vị trực thuộc có liên quan để đôn đốc đối tượng nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng ban hành chỉ thị số 4 với 13 giải pháp tăng thu ngân sách.
Theo Bộ Tài chính, trong số này, đã thu vào ngân sách trên 20.000 tỷ đồng cổ tức doanh nghiệp nhà nước và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 5/12/2013 của Chính phủ.
Trong khi đó, thu tiền sử dụng đất cũng đạt khoảng 42.500 tỷ đồng, vượt trên 3.300 tỷ đồng so số báo cáo Quốc hội.
Nhờ vậy, số tăng cân đối thu thêm đã đảm bảo thanh toán 14.800 tỷ đồng nợ hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh năm 2013. Các địa phương trọng điểm thu ước đạt và vượt dự toán thu trên địa bàn, như Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc...
Có mặt tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết theo kết quả mà ông nhận được, thu ngân sách đến ngày 30/12 đã vượt dự toán khoảng 0,33%. “Còn 2 ngày nữa, số thu có thể vượt khoảng 1%”, Thủ tướng dự báo.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tài chính phải dùng khoản tăng thu này để giảm bội chi ngân sách, xuống thấp hơn mức 5,3% được Quốc hội phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch Hà Nội cho biết, ông “đứng đây báo cáo mà chân còn run”, vì chưa dám tin thành phố có thể hoàn thành mục tiêu ngân sách đề ra.
Trước đó, Hà Nội mới hoàn thành hơn 54% dự toán sau 9 tháng, nhưng báo cáo cả năm, địa phương này cho biết đang tiếp tục đôn đốc các khoản thu, phấn đấu cả năm thu 151.120 tỷ đồng, đạt 100,9% dự toán năm.
Trong 10 tháng đầu năm tại Hà Nội có 10.079 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Trong đó, đã giải thể 550 doanh nghiệp (tăng 49%), bỏ địa chỉ kinh doanh là 6.429 (tăng 9,4%).
Mặc dù chưa tới mức phải đóng cửa, ngừng hoạt động nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện đều nằm trong tình trạng khó khăn về sản xuất, kinh doanh. Do quá khó khăn phải thu hẹp sản xuất nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với những chương trình hỗ trợ lãi vay giá rẻ.
Tín dụng cũng tăng trưởng thần kỳ
Tương tự như đối với con số thu ngân sách, vừa qua con số tăng trưởng tín dụng cũng khiến không ít người ngạc nhiên khi Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến ngày 27/12 tín dụng đã tăng trên 11%.
"Tất nhiên việc tăng trưởng tín dụng trong tháng 12 đạt mức 3%-4% là điều hoàn toàn bình thường trong nhiều năm nay", Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Trong khi một tuần trước đó tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 9,5%, và ở mức 8,83% vào ngày 12/12. Như vậy, chỉ sau hơn chục ngày, tín dụng đã tăng thêm hơn 2%.
Đâu là nguyên nhân đẩy tín dụng tăng trưởng thần tốc? Lý do liệu có phải do ngân hàng thời gian qua đã cho vay dưới lãi suất huy động hay việc các ngân hàng ký kết hàng loạt những hợp đồng tài trợ với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
NHNN ra công văn số 9312/NHNN-TTGSNH yêu cầu các chi nhánh của mình tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động.
Trong khi, kết quả giám sát của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tiến hành từ cuối tháng 8/2013 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12 lại cho thấy có tới 50% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng.
Như vậy, các doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn trong việc tiếp cận được vốn vay để phát triển sản xuất thì ai là người hưởng lợi từ việc lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động?
Nhận định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là mỗi khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thì bộ trưởng có liên quan (có trường hợp cả phó thủ tướng) trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp khác phải mua sản phẩm có liên quan từ các doanh nghiệp đang có các sản phẩm khó tiêu thụ.
Hay khi tập đoàn, tổng công ty không còn cách nào khác để tìm vốn kinh doanh, thì vẫn được nhà nước chỉ định cho vay với lãi suất rất thấp, thậm chí là 0%; khi không thanh toán được các khoản nợ đến hạn, thì Bộ Tài chính cũng đã thu xếp việc thanh toán các khoản nợ đó.
Cũng trong thời gian vừa qua, hàng loạt hợp đồng tài trợ với số tiền hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp nhà nước thậm chí đã "con nợ" lớn trong hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, ngày 10/12/2013, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2014 - 2016. Theo đó, TPBank cung cấp 2.000 tỷ đồng tài trợ vốn trung dài hạn, bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động của Tổng Công ty Đường sắt và các công ty thành viên trực thuộc.
Tiếp đó, ngày 18/12, ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã ký thỏa thuận hợp tác song phương với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT (đơn vị thành viên của Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN) về hợp đồng tín dụng trị giá 3.200 tỷ đồng, tài trợ vốn cho dự án đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu và mở rộng trạm biến áp Sơn La.
Cùng các đơn vị thành viên, Vietcombank đã hợp tác và hỗ trợ EVN trong việc cấp tín dụng để đầu tư vào 17 dự án quan trọng của ngành điện với tổng giá trị đầu tư lên tới gần 23.000 tỷ đồng.
Trong ngày 23/12, Vietcombank và Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng đã tài trợ 150 triệu USD cho Dự án thăm dò khai thác dầu khí lô 10&11-1 ngoài khơi của Việt Nam do Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) làm chủ đầu tư.
Song việc tăng trưởng tín dụng thần tốc đạt đúng chỉ tiêu đã đề ra chỉ trong hơn 10 ngày khiến dư luận cũng đặt câu hỏi về việc liệu ngân hàng có đang làm đẹp số liệu?
Về mục tiêu của năm 2014, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 là 782.700 tỷ đồng và tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 17,2% GDP. Trong số này, dự toán thu nội địa 539.000 tỷ đồng, bao gồm cả thực hiện động viên vào ngân sách đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Về chi ngân sách năm 2014, dự toán chi năm 2014 là 1.006.700 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng (2,9%) so dự toán năm 2013, trong đó phải dành khoảng 54.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi như chi trả nợ 15.000 tỷ đồng, chi tiền lương tăng thêm 20.000 tỷ đồng, chi quốc phòng, an ninh và một số chính sách và nhiệm vụ mới. |
Theo Đất Việt