Tin tức - Sự kiện

Ngang nhiên rao bán tiền giả trên mạng: “1 đổi 10”

Nhiều đối tượng đăng hình bán tiền giả một cách ngang nhiên trên các trang mạng. Nhiều người hám lợi đã sập “bẫy” của những đối tượng lừa đảo này.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “tiền giả” trên mạng thì người dân có thể dễ dàng tìm thấy nhiều trang web và tài khoản facebook bán tiền giả một cách công khai với hình ảnh đại diện là các cô gái xinh đẹp hay những người đàn ông lực lưỡng xăm trổ đầy mình.

Việc rao bán tiền giả được công khai trên mạng xã hội facebook với 1 triệu tiền thật đổi 10 triệu tiền giả.

Trong vai người có nhu cầu mua tiền giả, chúng tôi liên hệ với một tài khoản facebook tên K.H.N.
N. cho biết, tiền giả của N. giống tiền thật từ 97-98%, chỉ có máy soi mới phát hiện được tiền giả và mắt thường không thể nhìn thấy được. 1 triệu đồng tiền thật sẽ đổi được 10 triệu đồng tiền giả.

Theo N., trong lần đầu tiên giao dịch với nhau thì khách phải gửi trước 100.000 đồng tiền vận chuyển “hàng” bằng hình thức nạp thẻ cào điện thoại. Sau đó, muốn mua bao nhiêu tiền thì phải chuyển khoản trước 50%.

“Anh cứ cho em xin địa chỉ và số điện thoại, bọn em sẽ cho nhân viên chuyển tiền đến tận nơi. Tiền có đầy đủ các mệnh giá như: 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng. Anh cứ yên tâm đi”, N. nói.

Tiếp tục liên hệ với một tài khoản khác tên N.V, hình đại diện của tài khoản này là một người đàn ông to cao, cạo trọc đầu và xăm trổ kín người.

V. liên tục viết những trạng thái như: “Tiền giả, ai cần thì nhắn tin trực tiếp để đặt hàng nhé” hay “buôn bán tiền giả, ai cần thì nhắn tin cho mình nhé”. Bên dưới những dòng trạng thái là hình ảnh những tệp tiền lớn với nhiều mệnh giá khác nhau được chở bằng xe ôtô sang trọng.

 

Ngoài ra, V. còn phát những video trực tiếp cảnh bóc những phong bì tiền giả chuẩn bị giao cho khách nhằm thể hiện sự uy tín và chất lượng tiền “giống thật” của mình. Tài khoản của V. cũng đăng hình nhiều chiếc vali chất đầy tiền mệnh giá 500.000 đồng.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã phải “ngậm trái đắng” khi giao dịch với những đối tượng trên.

Anh Nam (ngụ quận 10) cho biết, anh đã từng giao dịch với một tài khoản facebook bán tiền giả, sau khi chuyển khoản 1 triệu đồng để mua 10 triệu đồng tiền giả thì tài khoản facebook bán tiền giả đã chặn anh Nam và “cao chạy xa bay”.

“Tôi biết hành vi mua tiền giả là phạm pháp nên cũng không tố giác bọn chúng. Người dân nên cẩn trọng, đừng làm những điều sai trái như tôi để rồi mất tiền ”, anh Nam nói.

Một số người mua được tiền giả cũng đã “sa lưới” pháp luật khi đang tiêu thụ những đồng tiền phạm pháp này.

 

Lương Thị Phượng (SN 1982, quê Thái Nguyên) đã bị công an tỉnh Phú Thọ bắt khi đang cố tình tiêu thụ những tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng tại lễ hội đền Hùng.

Tại cơ quan công an, Phượng khai nhận đã đổi tiền thật lấy tiền giả với mức đổi là 15 triệu đồng tiền thật đổi 25 triệu đồng tiền giả. Khi đối tượng đang cố tình trà trộn để mua các mặt hàng giá trị thấp và lấy lại tiền thật từ người bán hàng thì bị bắt.

Cũng chỉ vì lòng tham mà một phụ nữ tại phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đã liên hệ với một tài khoản facebook tên Nhật Vy để mua tiền giả. Người phụ nữ đã chuyển 4,2 tỷ đồng để mua 18 tỷ đồng tiền giả.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền thì người phụ nữ mới phát hiện mình bị lừa. Lực lượng cảnh sát đã vào cuộc và bắt được đối tượng Bùi Văn Hải (ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Đây chính là đối tượng lập ra tài khoản facebook Nhật Vy để lừa đảo hàng chục người. Hải bị bắt khi đang rút tiền của các nạn nhân tại một cây ATM ở quận 12, TPHCM.

Các đối tượng rao bán tiền giả đăng những hình ảnh chở tiền bằng xe ô tô sang trọng.

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn luật sư TP.HCM thì tại Điều 207 – Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả nêu rõ: người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

 

Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, Điều 207 – Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả cũng nêu rõ, người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo