Ngành bán lẻ nội chênh vênh: Liên kết để chống đỡ
Vài năm trở lại đây, các nhà bán lẻ đua nhau về chính sách giá tốt, dịch vụ, chăm sóc khách hàng, như: phát cẩm nang mua sắm đến tận nhà; giao hàng miễn phí; tổ chức xe đưa đón đến siêu thị; đặt hàng qua điện thoại; làm thẻ khách hàng thành viên, khách hàng VIP; tích lũy điểm thưởng… kèm theo đó là các dịch vụ ăn uống, giải trí.
Nhiều nỗi lo
Theo các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, hiện hàng hóa trong nước đang có lợi thế về chất lượng, giá cả so với hàng ngoại. Trong tương lai gần, Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do khối ASEAN (AFTA) có hiệu lực, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, hàng hóa nước ngoài với thuế suất thấp hoặc bằng sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn.
Năm 2014-2015 được dự đoán là thời điểm các nhà bán lẻ nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, khó khăn chung của nền kinh tế và sức ép cạnh tranh đã làm một số nhà bán lẻ nội địa hụt hơi, chấp nhận co cụm hoặc hoạt động cầm chừng. Đó thật sự là nỗi lo cho doanh nghiệp Việt.
Chuyên gia marketing Hoàng Tùng cho rằng có thể làn sóng hàng Thái và việc xuất hiện thêm những thương hiệu mới trước mắt sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Với doanh nghiệp Việt, đặc biệt những doanh nghiệp sản xuất với đặc thù phụ thuộc vào hệ thống bán lẻ, sẽ gặp nhiều sự cạnh tranh hơn.
Chúng ta có chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuy nhiên, chương trình này chỉ hiệu quả khi hàng Việt có chất lượng thuyết phục, ít nhất là tương đương với các đối thủ đến từ những nước khác, với mức giá bằng hoặc thấp hơn. Khi đó, người tiêu dùng mới ưu tiên dùng hàng Việt.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cạnh tranh càng gay gắt, doanh nghiệp Việt càng bộc lộ rõ những hạn chế lớn: thiếu liên kết, yếu về tài chính, không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, thiếu nhân sự có trình độ… Trong đó, nhược điểm lớn nhất là thiếu liên kết.
“ Nhà sản xuất, nhà phân phối phải ngồi lại với nhau, liên kết cùng mua cùng bán, tổ chức lại sản xuất để tạo nguồn hàng ổn định cho siêu thị. Tôi biết một doanh nghiệp thực phẩm ở TP HCM chào bán sản phẩm vào một siêu thị ở Hà Nội. Sản phẩm chỉ 16.000 đồng nhưng siêu thị đòi phí tạo mã đến 100 USD, quá đắt! Hay như trên một con đường tại Hà Nội, hai siêu thị mở cách nhau… 12 số nhà, hậu quả là một trong hai cái phải đóng cửa. Kiểu làm này chẳng khác nào doanh nghiệp nội địa đang tự giết nhau” - ông Phú nói.
Bài học từ Saigon Co.op
Thị trường bán lẻ Việt Nam mặc dù được xác định có nhiều tiềm năng nhưng vẫn đang phát triển tự phát, chưa được quy hoạch cụ thể, khung pháp lý liên quan đến đầu tư bán buôn - bán lẻ chưa hoàn thiện là những lực cản lớn đối với doanh nghiệp.
Trong lúc trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách thuế, mặt bằng, quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ, việc tập trung vào chiến lược cốt lõi là chìa khóa giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.
Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) - đơn vị bán lẻ hàng đầu Việt Nam - đã cạnh tranh, phát triển với doanh nghiệp bán lẻ ngoại hơn 10 năm nay vẫn tập trung vào ba mấu chốt: phát triển nhanh mạng lưới, đa dạng hóa hình thức kinh doanh để phục vụ đối tượng khách hàng đa dạng dựa trên nền tảng chính là siêu thị Co.opmart; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc học tập kinh nghiệm các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới; nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ, cải thiện hệ thống vận hành, vận chuyển phân phối.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn liên kết với doanh nghiệp hàng Việt, HTX trong khu vực và trong nước để tạo nguồn hàng ổn định, chất lượng…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, đơn vị rất quan tâm phát triển mạng lưới ra nông thôn, mục tiêu là có mặt tại các quận, huyện ngoại thành TP HCM và tiến về các thị xã, thị trấn tại các tỉnh, thành khác.
Việc đẩy nhanh mạng lưới phân phối được thực hiện đa dạng thông qua nhiều hình thức: thuê đất, thuê nhà, liên doanh liên kết (Saigon Co.op nắm chi phối để điều hành chuỗi), liên doanh với các HTX thành viên và sắp tới là thí điểm nhượng quyền thương mại mô hình cửa hàng Co.opFood.
Theo NLĐ
Đón đầu xu thế mới
Có 3 hướng phát triển chính yếu mà doanh nghiệp bán lẻ Việt có thể áp dụng:
- Môi trường online: Ít ai có thể tưởng tượng được từ một doanh nghiệp nhỏ, nay Amazon đã vươn mình trở thành nhà bán lẻ hàng đầu thế giới với mức tăng trưởng không tưởng - doanh số 74 tỉ USD trong năm 2013. Môi trường online là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ có thể khai thác một cách thông minh nhằm đối đầu với các ông lớn.
- Thu hẹp định vị: Có rất nhiều chuỗi bán lẻ bán nhiều thứ. Tuy nhiên, những thương hiệu bán lẻ ra đời sau thành công và tồn tại bên cạnh các ông lớn đều biết thu hẹp định vị của mình để có thể mang nét cá tính riêng và ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng mục tiêu.
- Có sản phẩm độc quyền: Chuỗi bán lẻ nào có khả năng sản xuất ra được những thương hiệu độc lập, được người tiêu dùng chấp nhận, chuỗi bán lẻ đó sẽ có ưu thế lớn. Chuỗi bán lẻ Sears từng gặp khó khăn nhưng cứu cánh của Sears là những thương hiệu mạnh, được bán độc quyền như bộ dụng cụ Craftsman, pin DieHard, xe đạp Free Spirit, quần áo Roebucks...
Chuyên gia marketing Hoàng Tùng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới