Ngành chăn nuôi có thể lạc quan khi Việt Nam gia nhập FTA?
Tại buổi tọa đàm “Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20.3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng: “Khi Việt Nam tham gia Hiệp định FTA thì ngành chăn nuôi nhìn chung là khó cạnh tranh bởi cơ cấu nông nghiệp không thể chuyển dịch trong một sớm một chiều, đặc biệt khi năng suất còn thấp và giá thành còn cao”.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng nhận định rằng, chúng ta có một số lao động dôi dư, nếu phát triển được xuất khẩu sẽ tạo ra thị trường mới cho nông sản Việt Nam như thủy sản, hạt tiêu, cà phê… người dân sẽ dịch chuyển sang trồng cây, nuôi thủy sản để cung ứng cho các thị trường, từ đó tạo đà cho việc tái cơ cấu nông nghiệp thành công.
Bên cạnh đó, khi đàm phán, Việt Nam phải cam kết giảm thuế nhưng phải theo một lộ trình dài chứ không phải ngay lập tức, phải giám sát được tiến độ. Với một lộ trình dài như vậy thì Việt Nam có thể thực hiện được việc tái cơ cấu nông nghiệp.
Ngoài ra, không dễ gì mà thay đổi được thói quen tiêu dùng một sớm một chiều. Ví dụ ngành nông nghiệp hiện nay đang lo ngại những sản phẩm như thịt gà, lợn từ TPP vào Việt Nam, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Mĩ… sẽ lấy mất thị phần trong nước.
"Tuy nhiên, tôi nghĩ nhiều gia đình Việt Nam sẽ thích gà đồi, gà nuôi hơn gà công nghiệp, thích thịt tươi hơn là thịt đông lạnh. Tất nhiên trong tương lại xa thì thói quen tiêu dùng có thể thay đổi, nhưng trong một sớm một chiều thì không dễ gì điều đó xảy ra", ông Khánh nói.
Mặt khác, theo ông Khánh, Việt Nam đã đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, gạo, tiêu… thì không có lý gì chúng ta lại chịu thua trong chăn nuôi. Trước đây khi chúng ta chưa có được thế hệ nhà đầu tư lớn thì chúng ta có thể lo ngại năng lực cạnh tranh, nhưng hiện nay đã nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nên ngành chăn nuôi có thể hy vọng.
Từ đó, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, lĩnh vực được hưởng lợi lớn nhất trong tiến trình hội nhập chính là những ngành xuất khẩu, trong đó nổi bật nhất là ngành dệt may.
Ngành dệt may đang ngày càng chiếm thị phần cao trên thị trường Mĩ, lấy dần thị phần từ tay Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều ngành như ô tô, thép, viễn thông… đứng trước nguy cơ cạnh tranh lớn, cần phải có chuẩn bị kĩ lưỡng.
Thứ trưởng cũng cho biết hội nhập FTA lần này dù không có tác động nhiều đến chính sách, luật pháp… như WTO nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Hội nhập giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển, tạo cơ hội cho Việt Nam cải các thể chế, môi trường kinh doanh, minh bạch, môi trường, chế độ cho người lao động…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực
Doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống tăng tốc
Hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10
Công ty con của Bảo hiểm Chubb Life Việt Nam bị xử phạt
VPI dự báo giá xăng giảm, giá dầu diesel tăng trong kỳ điều hành 7/11
Cái bắt tay giữa hai 'ông lớn' trong lĩnh vực tài chính số và công nghệ