Thị trường

Ngành dệt may được hưởng lợi do đồng nhân dân tệ phá giá

(DNVN) - Việc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc tạo lợi thế rất lớn ngành Dệt may và Da giày trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu khi chúng ta gia nhập hàng loạt các hiệp định kinh tế.

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương vừa qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã trả lời báo chí về tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Theo ông Hải, việc đồng nhân dân tệ phá giá tạo lợi thế lớn với ngành Dệt may và Da giày trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu khi chúng ta gia nhập hàng loạt các hiệp định kinh tế. 

khi đồng NDT xuống thấp thì các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu rẻ hơn, cạnh tranh hơn.
Khi đồng NDT xuống thấp thì các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu rẻ hơn, cạnh tranh hơn. Ảnh minh họa.

"Chúng ta đang sử dụng nguồn nguyên liệu lớn từ phía Trung Quốc để phục vụ 2 ngành này, tuy nhiên, khi đồng NDT xuống thấp thì các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu rẻ hơn, cạnh tranh hơn. Điều này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu cho các mặt hàng dệt may và da giày", ông Hải nhận định.

Trái ngược với ngành dệt may, theo ông Hải, mặt hàng nông sản được đánh giá sẽ gặp khó khăn khi đồng nhân dân tệ phá giá. 

"Thực tế chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc số lượng chưa nhiều, chủ yếu theo đường tiểu ngạch nên việc giảm giá đồng nhân dân tệ hiện tại chưa ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, với các mặt hàng như sắn và cao su chúng ta đang xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc về dài hạn sẽ bị ảnh hưởng”, ông Trần Thanh Hải nhận định.

Tại buổi họp, trả lời thắc mắc về việc nhập khẩu ôtô tăng trong thời gian gần đây, riêng với việc thị trường Trung Quốc, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, ôtô là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay, trong đó chủ yếu là ô tô tải từ 10-45 tấn và xe chuyên dụng.

Theo con số thống kê, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là ôtô đầu kéo và ôtô tải từ Trung Quốc với lượng nhập khẩu là 9.510 chiếc (tăng 455%) và 6.370 chiếc (tăng 153,5%).

 

Theo ông Trần Thành Hải, việc tăng lượng xe nhập khẩu xuất phát từ tình hình sản xuất kinh doanh đang tốt lên, hệ thống giao thông đã được nâng cấp, hàng hóa lưu thông nhiều, nhu cầu của người dân ngày càng lớn. Ông Hải cho rằng việc tăng lượng nhập khẩu ô tô là không đáng lo ngại.

VĂN HẢI
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo