Ngành lúa gạo Việt Nam cần phải tăng tính cạnh tranh
Nghiên cứu cấu trúc ngành lúa gạo đi sâu phân tích từng mắt xích trong chuỗi sản xuất ngành lúa gạo, mỗi mắt xích chính là một phân đoạn thị trường có cấu trúc riêng, và đề xuất giải pháp với những mắt xích – thị trường có cấu trúc độc quyền, từ đó chi phối các mắt xích khác. Nghiên cứu phát hiện mắt xích quyết định hầu như toàn bộ các vấn đề của ngành lúa gạo hiện nay là thị trường xuất khẩu – đầu ra cuối cùng có ảnh hướng rất lớn tới định hướng sản phẩm lúa gạo của Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất khẩu vì lợi ích của mình có khuynh hướng duy trì chính sách tăng sản lượng tối đa để xuất khẩu. Điều này dẫn tới một loạt hệ quả như sự khai thác đất tối đa phục vụ tăng sản lượng (3 vụ lúa), thiếu chọn lọc về giống và chất lượng, v.v… đe dọa sự phát triển bền vững của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long.
“Do được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và trợ cấp khác nhau từ ngân sách Nhà nước nên ngành lúa gạo Việt Nam đang có khuynh hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, đang xuất khẩu với giá thấp, và như vậy xuất hiện một thực tế phũ phàng là người đóng thuế Việt Nam thực chất đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài đối với gạo Việt Nam".
"Chúng tôi đề xuất nên tính đủ phần trợ cấp vào giá gạo xuất khẩu để phản ánh đúng chi phí sản xuất và đảm bảo quyền lợi của người dân. Xuất khẩu chú trọng vào tăng giá thay vì sản lượng, mới tạo động lực cho doanh nghiệp và người nông dân chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, lựa chọn giống lúa thuần chủng, chất lượng cao, làm tăng tính cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam” – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp cho biết.
Các thành viên Liên minh Nông nghiệp cũng cho rằng các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đang đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nhiều hơn, thay vì mục tiêu ban đầu là tăng tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân. Ví dụ, chính sách quy định giá sàn thu mua lúa không đem lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân mà còn vô tình cản trở người nông dân chuyển dịch sang trồng các giống lúa chất lượng cao.
Chính sách cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để thu mua tạm trữ chưa chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong việc bình ổn thị trường và hỗ trợ người nông dân yếu thế. Hay những quy định về điều kiện xuất khẩu gạo hiện nay (Nghị đinh 109) vô hình trung ngăn cản một bộ phận doanh nghiệp với sản phẩm gạo đặc thù (sản lượng ít, nhưng lợi nhuận và tính cạnh tranh rất cao) tham gia vào thị trường, triệt tiêu tính đa dạng của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Liên quan đến các vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết: “Hiện nay mức giá sàn do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố, người trồng lúa hoàn toàn không có tiếng nói gì trong các quyết định này. Chúng tôi cho rằng cần phải có cơ chế chính thức để người nông dân tham gia vào việc ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ thông qua các tổ chức đại diện cho mình. Về các điều kiện đối với xuất khẩu gạo cũng cần có quy định riêng cho các doanh nghiệp khai thác thị trường ngách như gạo chất lượng cao, gạo đặc sản xuất với số lượng ít. Có như vậy sân chơi mới công bằng và dần dần gạo Việt Nam mới nâng cao được uy tín, chất lượng và giá bán”.
Một khía cạnh khác của việc nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo là cần giảm số lượng nông dân, tích tụ ruộng đất để tăng năng suất và áp dụng công nghệ. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy đa phần người nông dân đang loay hoay trong thế khó - ở lại làm ruộng thì thu nhập không đủ chi tiêu, mà ra khỏi ruộng đất thì không có nhiều cơ hội trong khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Điều này cũng bộc lộ điểm yếu trong mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay, khi khu vực công nghiệp và dịch vụ không tạo đủ sức cầu về lao động nhằm giúp người nông dân rút khỏi dất đai dễ dàng hơn.
Bên cạnh các khuyến nghị về giá gạo và nâng cao vị thế của nông dân, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp khác như bãi bỏ thuế VAT (5%) với mặt hàng gạo tiêu thụ trong nước để tạo công bằng giữa doanh nghiệp phân phối gạo trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu và tiểu thương; phát triển tài chính vi mô và bảo hiểm cho người nông dân, giúp nông dân bớt phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng đầu vào; định hướng lại hoạt động của các Tổng công ty lương thực để giúp chính sách với ngành lúa gạo được thực hiện thực sự hiệu quả …
So sánh cấu trúc thị trường lúa gạo Việt Nam với các nước xuất khẩu gạo cũng như xem xét xu hướng của ngành nông nghiệp thế giới, nghiên cứu chỉ ra rằng trong những năm tới, sự gia tăng mạnh mẽ nguồn cung gạo chất lượng trung bình và thấp từ các nước Ấn Độ, Myanmar và Campuchia sẽ khiến thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt, giá lúa nhiều khả năng tiếp tục sụt giảm.
Vì vậy, Liên minh "Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam" sẽ tiếp tục vận động mạnh mẽ cho việc điều chỉnh kịp thời các chính sách với ngành lúa gạo và người trồng lúa để nâng cao tính cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Thị trường cho thuê văn phòng cạnh tranh gay gắt
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh