Ngành ô tô Việt Nam: Hãy để thị trường lựa chọn
PV: Việc Việt Nam gia nhập các FTA sẽ có những khó khăn và thách thức gì cho doanh nghiệp ô tô Việt Nam?
TS Võ Trí Thành: Doanh nghiệp ô tô sẽ phải đối mặt với cạnh tranh rất khốc liệt. Cái rất rõ là nhập khẩu giảm, thậm chí giảm rất mạnh. Mặc dù, tôi phải nói rằng đã có một lộ trình dài để cho quá trình giảm dần.
Thứ hai, trong khi cạnh trạnh mạnh với hàng nhập khẩu thì năng lực, sức cạnh tranh của ngành ô tô Việt Nam nhìn một cách tổng thể là yếu. Chúng ta phải dùng chữ: Yếu. Đấy là chuyện rõ ràng và là thách thức.
Chuyện thách thức ấy đặt cho Việt Nam hai vấn đề. Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, lựa chọn tiếp tục hay không tiếp tục. Và nếu tiếp tục làm trong ngành này thì làm cái gì? Vấn đề thứ hai lớn hơn là sự phát triển của Việt Nam, lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam đối với ngành công nghiệp ô tô.
Ngành ô tô không phải chỉ là công nghệ cơ khí đơn thuần mà nó là một sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và đằng sau ấy là lợi ích của cuộc sống, của người tiêu dùng.
Đây là một bài toán rất lớn đối với lựa chọn chính sách, hướng đi của cả các nhà hoạch định chính sách lẫn doanh nghiệp.
PV: Nhưng mà chúng ta cứ lằng nhằng mãi, bao nhiêu năm trước bảo hộ có làm được đâu. Bây giờ lại nói là sẽ xem xét để giảm thuế …
TS Võ Trí Thành: Câu chuyện nó là từ xưa. Nó là sai lầm từ lựa chọn về chiến lược. Về cách nhìn, hướng đi. Tất nhiên, trong sai lầm này có sai lầm về cách nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vì, cái sai lầm về lựa chọn biện pháp, chính sách để khuyến khích nó. Gọi là khuyến khích nhưng không còn đúng trong bối cảnh thế giới đã thay đổi.
PV: Ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển thì cần có những yếu tố gì, thưa ông ?
TS Võ Trí Thành: Bản chất của ngành ô tô, muốn sản xuất được thì cần hai điều.
Thứ nhất là lợi thế nhiều quy mô. Đây là điều chúng ta nhìn nhận sai và nhà đầu tư cũng nhìn nhận sai. Quy mô thị trường Việt Nam chưa đủ.
Quy mô như thế nào thì rất nhiều điều gắn với mâu thuẫn trong chính sách của Việt Nam.
Thứ hai, muốn phát triển công nghiệp ô tô thì cần có chuyển giao công nghệ.
Và tất cả hai điều ấy không thể chỉ bằng chính sách bảo hộ một cách truyền thống, tức là chặn hàng rào thuế quan. Mà nó đòi hỏi rất nhiều câu chuyện khác.
Tôi có thể nói như này, hãy để cho thị trường lựa chọn. Việc có thể một nhà đầu tư nào đó ra đi không phải điều ràng buộc mà cái quan trọng nhất là mình học được những bài học của một nền kinh tế muốn xây dựng nó theo cơ chế thị trường, theo cơ chế mở cửa và cần có những chính sách hỗ trợ thích hợp của nhà nước.
PV: Có ý kiến cho rằng, khi thuế suất ô tô về mức 0% vào năm 2018 một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ chuyển sang làm thuê cho ngành công nghiệp ô tô Thái Lan. Ông có nhận định gì về ý kiến này ?
TS Võ Trí Thành: Theo nhiều phân tích thì hiện nay Việt Nam có nhiều lợi thế về xe máy chứ không có lợi thế về ô tô.
Chúng ta đều biết là Thái Lan thì công nghiệp hỗ trợ của họ rất mạnh. Công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan có ba nấc, ba loại vệ tinh. Vệ tinh thứ nhất là chất lượng cao nhất, công nghệ tốt nhất. Thái Lan đang có ý định là chuyển những vệ tinh thứ hai và thứ ba, càng sau hơn thì càng thấp hơn về công nghệ và về kỹ năng. Họ cũng có ý định chuyển sang Campuchia. Tôi không nghĩ là Việt Nam nên làm những cái này.
PV: Chúng ta có thể học được gì từ công nghiệp ô tô Thái Lan ?
TS Võ Trí Thành: Có nhiều điều có thể học được về chính sách. Nhưng chỉ có điều đáng tiếc là việc nhất quán trong cách làm và hai là hơi muộn.
Tôi bảo rằng, chúng ta có thể làm. Nhưng nếu làm thì phải nhìn hai cái: quy mô và chuyển giao công nghệ.
Có thể làm một bộ phận thôi nhưng làm tốt nhất thế giới. Thị trường là toàn cầu. Tại sao không?
Việc này hãy để thị trường lựa chọn !
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao