Ngành tài nguyên môi trường: Gánh nặng còn trên vai”
Cụ thể, việc cấp phép khai thác mỏ tài nguyên khoáng sản nhiều nơi còn sai quy định. Đặc biệt, tình tranh chấp đất đai, xả thải gây ô nhiễm môi trường dẫn tới khiếu nại-tố cáo vẫn còn phổ biến tại nhiều địa phương.
Những “điểm sáng”
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2014, tổ chức ngày 7/1, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định: Năm 2013, ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Trong đó, đặc biệt nhất là ngành đã hoàn thành việc chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) song song với quá trình sửa đổi các quy định về quản lý đất đai trong Hiến pháp 1992, đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
"Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ triển khai rà soát, xử lý kịp thời tình trạng khiếu nại-tố cáo trên các lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nhờ đó, nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng đã được xử lý triệt để," ông Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Bộ đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương hoàn thành các văn bản, tăng cường rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
“Đến nay, cả nước đã cấp được gần 41 triệu sổ đỏ với tổng diện tích 22,7 triệu ha, đạt 94% diện tích các loại đất cần cấp sổ đỏ và đạt 96% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận,” Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang dẫn chứng.
Đối với lĩnh vực địa chất khoáng sản, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay tình trạng “chảy máu khoáng sản” từng bước được hạn chế. Trong lĩnh vực tài nguyên nước, ngành tài nguyên môi trường cũng đã tập trung triển khai thực hiện Luật tài nguyên nước, đẩy mạnh công tác lập quy hoạch tài nguyên nước cho các lưu vực sông, xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa…
Đặc biệt, năm 2013 cũng cho thấy nhiều cố gắng, nỗ lực của ngành khi triển khai toàn diện các hoạt động quản lý Nhà nước về môi trường. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về môi trường.
"Với những nỗ lực trên, hiện nay, toàn ngành đã xử lý triệt để 378 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 86%) trên tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm tại các tỉnh-thành phố trên cả nước. Cùng với đó, chất lượng thẩm định báo các đánh giá tác động môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng được nâng cao," Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.
Về lĩnh vực biển và hải đảo, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, để đảm bảo an ninh, kinh tế biển, ngành tài nguyên và môi trường đã kiện toàn bộ máy tổ chức, tập trung xây dựng dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành Quy chế quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thẳng thắn cho biết, trong năm qua, những biến động của thời tiết và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến đời sống của nhân dân cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người và tài sản tại nhiều địa phương.
Tuy nhiên, "với nỗ lực và quyết tâm của các cán bộ ngành khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, 15 cơn bão, các đợt áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, rét đậm, rét hại đã được dự báo kịp thời, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống giảm nhẹ thiên tai. Cùng với đó, chương trình hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu luôn được chú trọng," Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Còn nhiều “mảng tối” cần khắc phục
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng thừa nhận, một số lĩnh vực của ngành vẫn còn gặp không ít thách thức, trở ngại. Điển hình nhất là các lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, đến nay, tiến độ xây dựng một số văn bản pháp luật vẫn còn chậm, nhiều tỉnh còn chưa chủ động trong việc ban hành các văn bản theo thẩm quyền để xử lý các công việc cho phù hợp với quy định và thực tiễn tại địa phương.
Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn là vấn đề bức xúc. Tình trạng khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi.
Bên cạnh đó, "công tác quản lý, cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khai thác khoáng sản gắn liền với bảo vệ môi trường. Một số nơi, khai thác vàng, quặng, đồng còn gây ô nhiễm nghiêm trọng khiến người dân bức xúc như Lào Cai, Bắc Kạn..,” Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thẳng thắn.
Ở góc độ cơ quan Thanh tra Chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh cũng khẳng định năm 2013 ngành tài nguyên và môi trường còn nổi lên nhiều vấn đề bức xúc; trong đó, 2 lĩnh vực có nhiều vi phạm nhất là lĩnh vực đất đai và khai thác khoáng sản.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Tranh cho biết về lĩnh vực quản lý đất đai, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm trên 4.500 ha đất, phạt tiền 126 tỷ đồng. Về lĩnh vực khai thác khoáng sản, một số vi phạm chính là cấp phép sai quy hoạch, khai thác tràn lan, ô nhiễm môi trường và gây thất thu ngân sách nhà nước.
Về vấn đề khiếu nại tố cáo, trong năm 2013, cả nước đã có 380.000 lượt người đi khiếu nại liên quan đến các lĩnh vực đất đai, môi trường; trong đó, lĩnh vực đất đai chiếm tới 68%, với 215.000 ha đất trong diện vi phạm. Đây cũng được nhận định là lĩnh vực nảy sinh nhiều vấn đề “đình đám” nhất.
Để tài nguyên môi trường thật sự là nguồn lực phát triển bền vững, đặc biệt là giải quyết vấn đề khiếu kiện về đất đai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kịp thời 5 Nghị định để thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), trình Chính phủ trước ngày 1/7/2014.
Song song với đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2014 như: Quản lý chặt chẽ và khai thác các nguồn tài nguyên như đất, nước, khoáng sản, biển-hải đảo; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công tác dự báo thời tiết, tích cực triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản