Ngành thép: Giải bài toán nhập siêu còn quá xa vời!
Xung quanh những vấn đề như xuất khẩu, tồn kho..., ông Phạm Chí Cường đã phác thảo bức tranh của ngành thép.
Xin ông cho biết những kết quả đạt được của ngành thép trong năm 2012?
- Ông Phạm Chí Cường: Nếu như trước năm 2000 chỉ có công ty thép của Nhà nước là Tổng công ty Thép Việt Nam và 5 liên doanh giữa Tổng công ty thép với nước ngoài thì sau năm 2000, Việt Nam đã có đủ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành thép.
Quy mô đầu tư cũng ngày một lớn, hiện đã có những dự án đầu tư hàng tỷ USD đi vào sản xuất và mới đây là khu Liên hợp thép có quy mô trên 22 triệu tấn thép/năm ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) với giai đoạn I, công suất 7,5 triệu tấn thép/năm, dự kiến sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2015.
Cho tới nay, với năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước, chúng ta đã có thể đáp ứng được 100% nhu cầu thép thanh, thép cuộn phi 6- phi 8 mmm, thép hình cỡ nhỏ, 100% ống thép hàn, thép mạ kim loại, thép phủ mầu và cuộn thép cán nguội để làm nguyên liệu cho các nhà máy mạ kim loại và phủ mầu hiện có ở Việt Nam.
Tuy nhiên, một số chủng loại thép do trong nước chưa sản xuất được nên vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất phôi thép (thép phế) và một phần than mỡ để luyện cốc vẫn phải nhập khẩu.
Ước tính, lượng phôi thép sản xuất năm 2012 đạt 5,05 triệu tấn (tăng 3,1% so với năm 2011) và thép thành phẩm là hơn 9 triệu tấn (giảm 0,8% so với năm 2011).
Còn về nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam, cho tới nay, ngành công nghiệp thép của Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ trung), thép ống hàn, thép mạ kim loại (Al, Zn, Sn), thép phủ mầu, thép cuộn cán nguội. Các chủng loại thép khác như thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí,... còn phải nhập khẩu.
Trong năm 2011, ngành thép đã nhập khẩu tổng cộng 9,847 triệu tấn thép và nguyên liệu sản xuất thép với tổng kim ngạch nhập khẩu là 7,52 tỷ USD; trong khi xuất khẩu và tái xuất khẩu thép và nguyên liệu sản xuất chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn với tổng kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 2,3 tỷ USD nên nhập siêu của ngành thép năm 2011 là trên 5,2 tỷ USD.
Ước tính lượng thép và nguyên liệu thép năm 2012 nhập khẩu vào Việt Nam trên 7 triệu tấn
và nhập siêu vẫn trên mức 5 tỷ USD. (Ảnh minh họa. Nguồn:Internet)
Tồn kho của ngành thép nhiều thời điểm cũng đáng lo ngại, vậy ông dự báo năm tới sẽ thế nào thưa ông?
- Ông Phạm Chí Cường: Theo tôi mức tồn kho ở các đơn vị sản xuất hiện chỉ khoảng từ 300.000-400.000 nghìn tấn, tức là chưa bằng lượng tiêu thụ một tháng. Do vậy, ở mức này là bình thường, không đáng lo ngại.
Thực tế, các doanh nghiệp trong ngành phải giữ mức tồn kho như vậy vì vốn lưu động lớn, lãi suất ngân hàng cao, trong bối cảnh nền kinh tế chưa có sự hồi phục vững chắc nếu để tồn kho cao thì chắc không chịu được chi phí tài chính.
Còn về con số phá sản của ngành thép chưa có số liệu nào được công bố nhưng năm 2012 thì các thành viên trong hiệp hội có khoảng 5-6 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất.
Năm 2012 xuất khẩu thép cũng giúp giải phóng một lượng lớn hàng tồn kho của doanh nghiệp. Vậy năm nay, hướng xuất khẩu có gặp thuận lợi và khó khăn gì không thưa ông?
- Ông Phạm Chí Cường: Mặc dù Việt Nam mới tham gia xuất khẩu thép tới các nước trên thế giới, nhưng từ năm 2010 đã có mức tăng trưởng cao. Theo số liệu thì năm 2012 lượng thép xuất khẩu đạt gần 2 triệu tấn, Điều đó chứng tỏ đã có nhiều sản phẩm thép của Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và có khả năng cạnh tranh với sản phẩm thép của nước ngoài.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường và mới tham gia xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu rất khốc liệt, sự bảo hộ ở các nước nhập khẩu đối với sản phẩm sản xuất trong nước cũng ngày càng cao. Vì vậy, Việt Nam đã phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm cuộn cán nguội xuất khẩu vào Indonesia và Thái Lan, ống thép hàn vào Mỹ và đang bị một số nước cảnh báo sẽ khởi kiện đối với thép mạ kim loại và sơn phủ màu.
Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực tìm các thị trường mới để mở rộng xuất khẩu sản phẩm thép, tìm đầu ra cho sản phẩm thép sản xuất ở Việt Nam, giảm nhập siêu cho ngành thép.
Ông dự báo thế nào về ngành công nghiệp thép của Việt Nam trong năm tới?
- Ông Phạm Chí Cường: Năm 2013 tình hình kinh tế ở một số nước đã hồi phục nhưng cũng chưa thoát khỏi khó khăn, nhất là ở các nước lớn như Mỹ, Nhật, các nước EU… Do vậy, tiêu thụ thép toàn thế giới theo dự báo của Hiệp Hội Thép Thế giới (WSA) chỉ đạt 1,455 tỷ tấn, tăng 3,2% so với năm 2012 (dự báo trước đây về tiêu thụ thép thế giới 2012 là 1,486 tỷ tấn).
Tình hình kinh tế trong nước tuy đã được điều chỉnh bằng nhiều biện pháp mạnh của Chính phủ trong năm 2012, nhưng để có những chuyển biến cụ thể trong nền kinh tế, cũng cần phải có thời gian.
Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng những khó khăn mà ngành thép sẽ gặp phải trong năm 2013 là công suất sản xuất thép trong nước của một số sản phẩm như thép xây dựng, thép ống, thép mạ kim loại và sơn phủ màu, thép cuộn cán nguội vượt quá xa nhu cầu trong nước; trong khi kinh tế trong nước đang khó khăn, tiêu thụ thép giảm, dẫn tới dư thừa, tồn kho, phải cắt giảm sản xuất.
Việc xuất khẩu sản phẩm thép cũng gặp khó khăn khi các nước áp dụng nhiều chính sách bảo hộ, hạn chế nhập khẩu và nhiều vụ kiện phá giá đối với sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang các nước.
Bên cạnh đó, các hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam ký với các nước khi Việt Nam gia nhập WTO ngày càng có hiệp lực với mức thuế nhập khẩu giảm dần tới 0% đã làm cho sự cạnh tranh giữa thép trong nước với thép nhập khẩu của nước ngoài (đặc biệt là thép nhập từ Trung Quốc) càng trở nên khốc liệt. Tình trạng lách luật, gian lận thương mại sẽ ngày càng phổ biến.
Với những khó khăn nêu trên, dự báo ngành công nghiệp thép trong nước năm 2013 chỉ có thể duy trì với sản lượng sản xuất và tiêu thụ như năm 2012 và nếu có tăng chỉ ở mức khiêm tốn so với năm 2012.
Xin cảm ơn ông.
Đoàn Huế (Theo Vietnam+)
End of content
Không có tin nào tiếp theo