Ngành tôm sẽ khởi sắc trở lại
Theo báo cáo của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) hiện nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt hơn 635 nghìn ha, tăng 102,5% so cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh thuận lợi, nghề nuôi tôm của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo đó, dù diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch tăng chủ yếu từ tôm thẻ chân trắng nhưng giá tôm loại này lại không ổn định, từ tháng 4/2018 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng giảm nhiều (giảm từ 10 – 30 nghìn đồng/kg) chủ yếu ở cỡ tôm 80 -100 con/kg tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vấn đề khiến hàng chục nghìn hộ nuôi tôm trong nước rất quan tâm, lo lắng.
Các chuyên gia cho rằng, thường thì tôm sẽ được thu hoạch khi đạt trọng lượng 30 - 50 con/kg, nhưng đầu năm 2018 với tâm lý bất ổn về giá nên người nuôi đã thu hoạch sớm khi tôm đạt trọng lượng 70 - 100 con/kg. Tôm có trọng lượng nhỏ làm cho năng suất chế biến ở các nhà máy giảm, dẫn đến dư thừa nguồn cung nguyên liệu. Ngoài ra, giá tôm từ tháng 4 – 5 đến nay đã giảm hơn 20% và xấp xỉ chạm mốc giảm 30%
Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định, việc tăng sản lượng tôm thẻ chân trắng lên gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái không phải là nguyên nhân chính khiến giá giảm. VASEP cho hay, với việc các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador được mùa tôm, nguồn cung thế giới đã tăng 15%, trong khi nhu cầu chỉ tăng 5%, khiến giá tôm nguyên liệu ở mức thấp, giá tôm nước ta theo đó giảm mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung kiêm Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận nhận xét, thế giới một năm tăng trưởng từ 5-7%, riêng Việt Nam tăng hơn 10%. Cung cầu ảnh hưởng thị trường là tất yếu. Mặc dù vậy, ngành tôm Việt vẫn có triển vọng tích cực.
Đánh giá chung của chuyên gia về thị trường quốc tế và thị trường Việt, thì trong tháng tới sẽ có tín hiệu tăng giá trở lại. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu phần trăm thì không ai dám chắc. Hiện các nước trên thế giới đã gần như cạn nguồn tôm, còn Việt Nam bắt đầu vào vụ. Với sự quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của Bộ NN&PTNT, sự chỉ đạo sát của Chính phủ, năm nay ngành tôm nhất định đạt và vượt kế hoạch đề ra, ông Hoàng Anh chia sẻ thêm.
Tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành tôm bền vững diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã đề nghị người dân nuôi tôm phải thật bình tĩnh, không bán tôm cỡ nhỏ, cần điều chỉnh về quy trình nuôi, thả tôm hợp lý… Đối với các DN đầu vào (giống, thức ăn, chế biến), Bộ trưởng cho rằng đây là cơ hội rà soát lại quản trị, hạ giá thành sản phẩm một cách hợp lý và đi đôi với chất lượng để nuôi dưỡng thị trường lâu dài. Với các DN chế biến, Bộ trưởng yêu cầu phải chia sẻ khó khăn, có trách nhiệm với người nuôi và coi khách hàng, người nuôi tôm là bạn đồng hành bền vững với mình.
Còn nhiều những khó khăn thực tại mà ngành tôm đang phải đối mặt như: quy hoạch và đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành tôm hầu như bằng không; chuỗi cung ứng đầu vào của ngành tôm, trong đó có thức ăn, con giống, các loại chế phẩm sinh học còn khá hỗn độn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt là cơ chế của Chính phủ, bộ, ngành, sự hưởng ứng của các DN thì mục tiêu đến năm 2025 chinh phục mốc xuất khẩu tôm 10 tỷ USD là hoàn toàn có thể đạt được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát triển các khu thương mại tự do sẽ là bàn đạp thúc đẩy dịch vụ logistics
Tổng giám đốc công ty Văn hoá Tân Bình ALT 'mua chui' hàng trăm ngàn cổ phiếu
Xăng dầu đồng loạt giảm giá
Đề nghị bổ sung mặt hàng mía vào danh mục hàng hoá mua bán qua cửa khẩu phụ
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng không sốt nóng
Dự báo diễn biến thị trường bất động sản khi có bảng giá đất mới