Ngành tôm vào ngõ cụt
Ngành nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tôm đang bước dần tới ngõ cụt.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), từ đầu năm đến nay xuất khẩu tôm Việt Nam vào các thị trường truyền thống như Nhật Bản, EU, Mỹ… tiếp tục giảm mạnh. Xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ trong tháng 9 chỉ đạt 40,6 triệu USD, giảm hơn 34% so với cùng kỳ 2011. Tổng kết 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 333 triệu USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.
Một số thị trường truyền thống khác của tôm Việt Nam như EU giảm gần 25%, ASEAN giảm 14,5%, Canada cũng giảm hơn 13%, Nhật Bản giảm 9,2% (tháng 9) so với cùng kỳ năm trước.
Yếu vì giá cao?
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Vasep cho biết, trong khi giá tôm các nước xuất khẩu vào Mỹ có chiều hướng giảm từ nhiều tháng qua thì tôm Việt Nam vẫn trên đà tăng giá khiến việc xuất khẩu khó cạnh tranh. “Tôm sú xuất xứ Việt Nam tại thị trường Mỹ có giá cao hơn từ 15 – 18% so với các nước khác, như tôm sú HLSO cỡ 16/20 thì ở mức 6,85 – 6,9USD/pao (1 pao tương đương 0,45kg) trong khi tôm cùng loại của Indonesia có giá 5 - 6,45 USD/pao và có xu hướng giảm, tôm Ấn Độ cũng chỉ ở mức 5,85 USD/pao” - ông Nam cho biết.
Còn theo ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng), giá sản phẩm tôm Việt Nam cao do giá thành sản xuất cao, dịch bệnh khiến nguyên liệu thiếu hụt, các doanh nghiệp phải nhập khẩu tôm từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan… về để chế biến xuất khẩu. “Trong tình hình hiện nay, nếu không giảm giá bán, tôm Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh lại các nước khác, tuy nhiên, việc giảm giá này là bài toán hóc búa mà doanh nghiệp đang phải đối đầu” - ông Lĩnh chia sẻ.
Người nuôi luôn thua thiệt
Cùng với giá xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long những ngày qua có diễn biến theo chiều hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, hầu hết ao tôm của người dân đều đang trong tình trạng “treo cần” từ nhiều tháng qua. Tại vùng tôm chuyên canh của Tiền Giang, tôm sú loại 40 con/kg hiện được thu mua với mức giá từ 110.000 - 115.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với hồi tháng 9. Giá tôm thẻ loại 100 con/kg cũng tăng lên mức 90.000 đồng/kg.
Ông Võ Quang Huy - hộ nuôi tôm tại Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Trần Đề, Sóc Trăng) cho biết, hầu hết hộ nuôi tôm trong khu vực đều đã cạn vốn, tài sản thế chấp cũng không còn nên không thể tiếp tục tái sản xuất. Trước đây, ông Huy được coi là một trong số các đại gia nuôi tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 150 ao nuôi, tổng diện tích hơn 7.000m2. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ông Huy chỉ thả nuôi 10 ao “để đỡ nhớ nghề”, các ao tôm còn lại đều để trống.
“Bỏ thì không được vì lỡ theo nghề rồi, việc đầu tư chuyển đổi sản xuất cũng không phải dễ. Ngân hàng họ cũng biết “nhìn mặt gởi vàng” chứ, đâu phải ai muốn vay là vay được vốn sản xuất đâu!” - Ông Võ Quang Huy than thở.
Dịch bệnh tăng cao, vốn đầu tư cho nuôi tôm liên tục “đổ sông đổ biển”, doanh nghiệp còn vướng vào ngõ cụt thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Theo ông Lĩnh, trước đây, mỗi ngày Công ty Thuận Phước có thể thu mua 50 – 70 tấn tôm nguyên liệu thì nay may mắn lắm cũng chỉ được 5 – 7 tấn/ngày. Ao nuôi của công ty thì cũng chỉ dám thả “cầm hơi” chứ không dám đầu tư thêm.
“Nếu người nuôi không được hỗ trợ để tái sản xuất, tôm Việt Nam không hạ được giá bán so với tôm của Indonesia hay Ấn Độ thì chắc chắn trong thời gian tới, xuất khẩu tôm sẽ còn giảm nữa. Giá trị xuất khẩu tôm năm nay do đó khó có thể đạt con số 2,4 tỷ USD như năm 2011” - ông Lĩnh dự báo.
Đoàn Huế (Theo Dân Việt)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển