Ngất ngưởng thuế với bia
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) cho hay, hiện bia đang chịu tới 9 loại thuế. Ngoài thuế TTĐB, còn chịu thuế giá trị gia tăng từ dịch vụ, từ bán lẻ, thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu.
Thống kê mới nhất của VBA cho thấy, Việt Nam đứng thứ 20 trong số các quốc gia đánh thuế cao nhất đối với bia. Bởi vậy, tăng thuế TTĐB đối với bia sẽ gián tiếp tạo thị trường mở rộng cho hàng hóa nhập khẩu, làm giảm sức cạnh tranh của hàng trong nước, giảm thu hút đầu tư và dần gây khó khăn cho sản xuất trong nước.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), Việt Nam hiện có 117 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bia, với tổng sản lượng 3,19 tỷ lít năm 2013, bình quân mức tiêu thụ bia trên đầu người tại Việt Nam xấp xỉ 32 lít. Mức tiêu thụ này thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á, như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và còn rất khiêm tốn so với thế giới (xem bảng). Theo ông Việt, bia là thức uống giải khát bổ dưỡng được sản xuất với độ cồn thấp và thậm chí độ cồn bằng không, nhưng hiện bia chịu thuế suất tương đương rượu là bất hợp lý. Trên thế giới hiện nay, một thị trường tiêu thụ đồ uống có cồn được coi là lành mạnh khi bia được tiêu thụ nhiều hơn rượu tại thị trường đó, đồng thời quy mô của thị trường chính ngạch lớn hơn quy mô của thị trường phi thương mại.
Hiện quy mô của thị trường rượu tự nấu bởi các hộ cá thể không đăng ký chất lượng và nhãn hiệu tại Việt Nam là khá lớn và hoàn toàn chưa có nghiên cứu chính thức về tác động của loại sản phẩm này đối với nền kinh tế và sức khỏe người dùng.
Dẫu vậy, Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Y tế (HSPI) trích báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2014 cũng nhận định rằng, có tới 80% lượng đồ uống có cồn tại Việt Nam thuộc về thị trường phi thương mại, chủ yếu là rượu dân tự nấu, rượu lậu… tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng và không đóng góp được gì cho ngân sách.
Cần thấy rõ sự khác biệt giữa việc tiêu thụ bia với việc lạm dụng đồ uống có cồn. Một khi giá thành các sản phẩm bia bị đội giá do tăng thuế sẽ dẫn tới hệ lụy là người tiêu dùng gia tăng sử dụng các sản phẩm thay thế có tính độc hại hơn với sức khỏe, như chuyển sang tiêu dùng các đồ uống có cồn khác rẻ hơn.
Một doanh nghiệp bia cũng cho hay, việc tăng thuế TTĐB sẽ làm tăng biên độ lợi nhuận cho hàng nhập lậu từ bên ngoài, dẫn tới việc gia tăng rầm rộ các hoạt động buôn lậu. Đáng nói là, trong số các quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam, Trung Quốc hiện có hơn 500 công ty, nhà máy bia và quá nửa là làm ăn không hiệu quả và hầu như chỉ đạt một nửa công suất. Do vậy, tỷ lệ dư thừa công suất dự kiến khoảng 50%.
Trung Quốc cũng là nơi mà thuế đánh vào bia chỉ chiếm hơn 4 USD/hector lit, trong khi Việt Nam là 54 USD/hector lit. Đây cũng chính là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận tổ sáng 3/11 vừa qua đối với việc điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng trong đó có bia.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, khi tăng thuế suất nhất thiết phải đi kèm với các biện pháp ngăn ngừa tình trạng buôn lậu do chênh lệch giá bán giữa nước ta và một số nước khác. Vì vậy, điều quan trọng hơn hết, vẫn là tuyên truyền để người dân tự ý thức, sử dụng các mặt hàng trên một cách hợp lý, tránh những tác động có hại cho sức khỏe, cũng như ảnh hưởng tới xã hội.
Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, cả 3 quốc gia chung đường biên giới là Trung Quốc, Lào, Campuchia đều có mức thuế thấp, nên việc tăng thuế suất thuế TTĐB sẽ làm cho Việt Nam trở thành vùng trũng về giá, tạo điều kiện cho hàng lậu phát triển tràn vào gây hại cho nền kinh tế. Các đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), Trịnh Thế Khiết (Hà Nội), Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) khi góp ý cho Dự thảo Luật thuế TTĐB cũng cho rằng, bên cạnh việc tăng thuế suất đối với các mặt hàng nêu trong dự thảo, cần tính đến biện pháp chống buôn lậu.
“Thuế các mặt hàng càng cao, buôn lậu càng mạnh, triệt tiêu sản xuất trong nước. Bởi vậy, lộ trình tăng thuế cần gắn chặt với giải pháp chống buôn lậu”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh. Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, ngoài các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia cần phải đánh thuế cả những hộ sản xuất rượu cá thể.
Bởi vậy, việc tăng thuế suất thuế TTĐB đột ngột từ 50% lên 65% trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm hiện nay là cản trở đáng kể đối với việc tồn tại và phát triển của doanh nghiệp ngành bia và sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển công nghiệp (Bộ Công thương), sau hơn một năm áp mức thuế suất TTĐB mới dành cho mặt hàng bia, từ mức 45% lên mức 50%, kể từ tháng 1/2013, sản lượng bia đã giảm 8,2%, lượng tiêu thụ cũng giảm 7,5%, nộp ngân sách nhà nước tương ứng giảm 6%.
Thực tế này cũng cho thấy, việc tiến hành giảm thiểu tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn cần được tiến hành hiệu quả thông qua công tác tuyên truyền giáo dục, chứ không phải là dựa vào tăng thuế với hậu quả là ngành kinh tế sản xuất, kinh doanh chính thống bị co hẹp lại, trong khi tiêu dùng đồ uống có cồn không vì thế mà giảm sút.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024