Ngày càng có nhiều cán bộ, nhân viên y tế bị hành hung
Hành hung nhân viên y tế - ‘chuyện thường ngày ở huyện’
Đêm khuya 13/4, bác sĩ trực phòng cấp cứu của Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BVĐK Saint Paul (Hà Nội) là V.H.C. đã bị người nhà bệnh nhi đánh vào mặt khi đang trao đổi về cách xử lý vết thương trên trán cho bé trai khoảng 7 tuổi.
Nghe tiếng ồn ào trong phòng, một nhân viên của BV vào can ngăn cũng bị người nhà bệnh nhân chửi mắng, tấn công. Chỉ khi lực lượng bảo vệ, cùng công an phường Điện Biên có mặt, người đàn ông mới chịu im lặng.
BS C sau đó được kiểm tra sức khoẻ và rất may các cú đấm không gây tổn thương quá nặng. Tuy nhiên BS C vẫn chưa hết sốc và hiện đã về quê để tĩnh dưỡng.
Đây là vụ hành hung bác sĩ thứ 3 trong nửa đầu tháng 4 này.
Trước đó, vào ngày 8/4, BS Nguyễn Đình Phi, Khoa nhi BVĐK Hà Tĩnh, trong lúc đang cấp cứu cho cháu Nguyễn Phúc Đạt thì bị một người đàn ông xưng là bố của cháu đấm vào mặt. Bị hành hung bất ngờ, BS Phi choáng váng ngã xuống sàn nhà.
Thấy vậy, thực tập sinh Trần Nhật Giáp (sinh viên năm thứ 6, Trường đại học Y khoa Vinh) đến can ngăn, cũng bị người đàn ông này đấm liên tục vào vùng mặt và vùng đầu. Anh Giáp bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu vì đa chấn thương và có dấu hiệu chấn thương sọ não.
Công an phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết, đối tượng là Nguyễn Phúc Kỳ (biệt danh Kỳ “khỏn”, thường trú tại phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) vừa mới mãn hạn tù.
Ngày 3/4, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế Bắc Kạn đề nghị làm rõ thông tin bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung.
Theo đó, chiều 31/3, BS Hoàng Thị Huế và điều dưỡng viên Hà Thị Hảo (đều ở Khoa Nội tổng hợp) đã bị người nhà người bệnh đánh vào gáy, vào đầu.
Trích xuất camera tại BV cho thấy, vụ hành hung của chồng bệnh nhân với hai nữ cán bộ y tế gây náo loạn khu vực điều trị của Khoa Nội tổng hợp. Nhiều nhân chứng chứng kiến vụ việc cho biết, người đàn ông hành hung bác sĩ có thái độ rất hung hãn và liên tục buông lời đe dọa.
Trước đó, vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán 2018, tại BV Sản Nhi Yên Bái đã xảy ra vụ người nhà bệnh nhân đánh BS Phạm Hải Ninh (Khoa Gây mê hồi sức) và BS Hoàng Đức Trung (Khoa Sản) vào vùng mặt và đầu, dẫn đến chấn thương nặng.
Kẻ hành hung hai bác sĩ này là chồng của sản phụ T - đến BV để sinh con. Nguyên nhân khiến người này đánh bác sĩ chỉ “đơn giản” là bị nhắc nhở vì đã trèo lên cửa sổ phòng mổ để quay phim, chụp ảnh ca phẫu thuật của vợ mình.
Các vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế xảy ra với mật độ ngày càng dày, hành vi của các đối tượng ngày càng manh động,… cho thấy nạn bạo hành trong BV - nơi đáng ra luôn an toàn để y, bác sĩ cứu chữa cho bệnh nhân, đã ở mức báo động đỏ.
Riêng trong năm 2017 đã có 25 vụ hành hung trong BV mà cơ quan công an đã thụ lý.
Nhân viên y tế khám, chữa bệnh là đang thi hành nhiệm vụ đặc biệt
Trước những vụ hành hung nhân viên y tế liên tiếp xảy ra và được chia sẻ rộng rãi, không chỉ những người trực tiếp làm trong ngành y bất bình, phẫn nộ trước những sự việc trên, mà người dân cũng bức xúc khi sự an toàn của nhân viên y tế không được đảm bảo ngay tại chính môi trường làm việc của mình.
Tuy hoàn cảnh mỗi vụ hành hung đều khác nhau, nhưng có một điều chắc chắn rằng việc sử dụng bạo lực là hoàn toàn trái pháp luật. Vậy nhưng, những vụ hành hung nhân viên y tế vẫn thường chỉ dấy lên trong một thời gian mà chưa đi đến giải pháp nào cụ thể.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, rất nhiều vụ hành hung nhân viên y tế, nhưng việc xử lý chưa nghiêm minh nên sự răn đe chưa có. Có lẽ đây cũng là một trong nhiều lý do để họ đánh người, manh động.
VOV dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Cán bộ, nhân viên y tế, trong lúc thi hành công vụ, phải tập trung trí tuệ để chăm sóc bệnh nhân thì bị đe dọa, hành hung. Gọi công an đến thì sự việc đã xong rồi. Lực lượng bảo vệ thì không đủ sức. Do vậy, chúng tôi cảm thấy rất lo lắng.
Người thầy thuốc vừa khám bệnh vừa phải để ý nhiều việc, vì bệnh nhân đòi phải khám ngay. Bệnh nhân lấy cả máy điện thoại ra quay, như thế làm sao người thầy thuốc đủ bình tĩnh và sáng suốt làm việc trong môi trường áp lực như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Còn theo Giám đốc BV Nhi Trung ương Lê Thanh Hải, cần xử lý nghiêm những đối tượng gây mất an ninh BV; pháp luật cần có những tình tiết tăng nặng hình phạt để răn đe: “Phải xem nhân viên y tế đang khám, chữa bệnh là đang thi hành một nhiệm vụ đặc biệt. Chính vì vậy, họ cần được đảm bảo về sức khỏe và tính mạng”.
Ngày 24/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ, Giám đốc BV Nhi Trung ương đề nghị chính quyền các địa phương cần sớm triển khai và tăng cường tại BV.
BV là một môi trường nhạy cảm. Ranh giới giữa chẩn đoán, điều trị đúng với những sai lầm có thể xảy ra trong chuyên môn. Đó là áp lực lớn, dễ đẩy mâu thuẫn giữa các bên lên đỉnh điểm.
Ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho rằng: “Để đảm bảo an ninh BV, trước hết phải phục vụ bệnh nhân thật tốt, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh là biện pháp an ninh tốt nhất. Ngoài ra cần có sự trợ giúp của các phương tiện như camera, lực lượng vệ sĩ và sự trợ giúp của lực lượng công an để phòng ngừa cũng như sẵn sàng ứng cứu”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam