Pháp luật

Ngày mai (27/12), xử phúc thẩm đại án Phạm Công Danh

Dự kiến ngày mai (27/12), TAND Cấp cao tại TP. HCM xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát trên 9.000 tỷ đồng tại VNCB.

Vụ án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) và đồng phạm dự kiến được đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày mai (27/12), đồng thời Viện KSND tối cao cũng đã tống đạt cáo trạng truy tố ông Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương - Oceanbank), theo tin tức trên báo Tuổi trẻ.

Bản án của TAND TP.HCM cho thấy Phạm Công Danh nhận cơ cấu Ngân hàng Đại Tín khi không đủ khả năng, không có nguồn vốn như cam kết với Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến hàng loạt vi phạm.

Phạm Công Danh bị tuyên mức án 30 năm tù cho tội vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm trong phiên toà xét xử sơ thẩm. Ảnh Dân trí.

Một nhân vật được nhắc đến nhiều trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm là Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch HĐQT Oceanbank. Phiên tòa không có mặt ông Hà Văn Thắm nhưng các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều khai có sự góp tay của ông Hà Văn Thắm trong thương vụ chuyển nhượng này.

Đồng thời, cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố Hà Văn Thắm với 3 tội danh: vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong quá trình quản lý, điều hành đối với Oceanbank.

Trong các hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố có hành vi cho Công ty Trung Dung của Phạm Công Danh vay 500 tỉ đồng để tái cơ cấu VNCB. Liên quan đến Đại Tín (tiền thân của VNCB), cáo trạng cũng xác định rõ vai trò của Hà Văn Thắm trong việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng này.

Theo đó, hồ sơ xác định vào đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Do muốn thâu tóm một số ngân hàng về Oceanbank nên Hà Văn Thắm đã gặp bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín) đặt vấn đề chuyển giao lại Ngân hàng Đại Tín cho Thắm.

Thắm đưa ra những sai phạm trong việc quản trị, điều hành của HĐQT và việc vay vốn của bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín để yêu cầu bà Phấn chuyển nhượng ngân hàng.

 

Ngày 23/2/2012, bà Phấn cho Ngô Thị Kim Huệ, phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, ký hợp đồng kinh tế với Hà Văn Thắm để bán hơn 254.000 cổ phần (tương đương 84,9% vốn điều lệ) với giá 4,4 tỉ đồng, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và sở hữu tài sản đảm bảo là các khoản vay với trị giá 3.553 tỉ đồng, khoản đầu tư 920 tỉ đồng và một số nghĩa vụ khác.

Sau khi ký hợp đồng, Hà Văn Thắm đã cho người vào quản lý Ngân hàng Đại Tín và thực hiện việc sáp nhập vào Oceanbank, nhưng không thực hiện việc thanh toán 4,4 tỉ đồng cho bà Phấn. Bà Phấn nhiều lần yêu cầu trả tiền nhưng Thắm không trả.

Sau khi đưa người vào quản lý ngân hàng, Thắm nhận thấy Đại Tín có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi nên nảy ra ý định chuyển nhượng lại Ngân hàng Đại Tín.

Thông qua môi giới, Hà Văn Thắm gặp Phạm Công Danh để chuyển nhượng cổ phần Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh. Hai bên thống nhất nếu Danh tiếp nhận Đại Tín thành công thì trả cho Thắm 800 tỉ đồng tiền môi giới. Số tiền mà hai bên thỏa thuận chuyển nhượng hơn 252.000 cổ phần là hơn 4.600 tỉ đồng.

Bản án xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm cho thấy Phạm Công Danh khai rằng Danh và nhóm cổ đông của mình đã trả cho bà Hứa Thị Phấn 3.600 tỉ đồng, số tiền này được xác định lấy từ nguồn vốn vay của chính VNCB.

 

Trong phiên toà sơ thẩm vào ngày 9/9, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.HCM đã tuyên mức án 30 năm tù đối với bị cáo Phạm Công Danh về 2 tội: vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, báo Dân trí đưa tin. 

Các bị cáo Phan Thành Mai (22 năm tù); Mai Hữu Khương (20 năm tù); Hoàng Đình Quyết (19 năm tù) cho cả 2 tội danh nêu trên.
Ngoài mức án trên, HĐXX cũng tuyên buộc Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỉ đồng gốc và lãi mà Danh thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB. Đồng thời, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên những tài sản của Phạm Công Danh, tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh để đảm bảo thi hành án.

Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Danh kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm; đề nghị cấp phúc thẩm thu hồi hơn 3.600 tỉ đồng của bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) mà bị cáo đã trả bà Phấn để mua cổ phần và tài sản của nhóm Phú Mỹ nhưng đến nay Danh vẫn chưa nhận được tài sản; xin giảm nhẹ hình sự, xem xét lại tội danh vi phạm quy định cho vay vì thực tế không có hậu quả và bị cáo không chỉ đạo để đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội; định giá lại tài sản trong tố tụng hình sự về Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng)...

Các bị cáo Phan Thành Mai (tổng giám đốc VCNB), Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) và 20 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự cũng có đơn kháng cáo. Theo cáo trạng, VNCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tái cơ cấu ngày 6/9/2012. Sau đợt tái cơ cấu này, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối VNCB.

 

Sau đó, bị cáo Danh đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc tập đoàn Thiên Thanh (do chính Danh làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc) và VNCB lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ của mình và tập đoàn Thiên Thanh, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân. 

Tổng cộng trong vụ án này, Phạm Công Danh với vai trò chủ mưu cùng đồng bọn đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Dự kiến phiên tòa này sẽ do thẩm phán cao cấp Đặng Quốc Khởi làm chủ tọa phiên tòa và kéo dài trong vòng 1 tháng.

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo Tuổi trẻ, Dân trí)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo