Nghệ An: 3 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia
Đó là 3 hiện vật: Dao găm chuôi hình rắn ngậm chân voi (Niên đại: 2000 - 2500 năm cách ngày nay, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An); Muôi có cán hình tượng voi (Niên đại: 2000 - 2500 năm cách ngày nay, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An); Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn (Niên đại: Thế kỷ VII - VIII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An).
3 hiện vật nói trên đều có giá trị văn hoá - lịch sử quý hiếm. Đặc biệt hộp đựng xá lị Tháp Nhạn được tìm thấy trong quá trình khai quật di chỉ Tháp Nhạn (xã Hồng Long, huyện Nam Đàn). Theo các tài liệu có ở Bảo tàng Nghệ An, niên đại của Tháp Nhạn được xây dựng vào thời Đường, nửa đầu thế kỷ VII. Việc khai quật được Xá lị Đức Phật Thích ca tại đây đã cho thấy lịch sử Phật giáo có mặt ở Nghệ An khá sớm.
Các hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận đợt này rất phong phú. Ngoài 3 hiện vật ở Nghệ An, còn có một số hiện vật đặc sắc ở các địa phương khác như: Đàn đá Lộc Hòa (Niên đại: Khoảng gần 3000 năm cách ngày nay, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước); Bộ khuôn đúc Nhơn Thành (Niên đại: Thế kỷ I - VII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Cần Thơ); Phù điêu Phật Chămpa Tây Nguyên (Niên đại: Thế kỷ VI - VII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai); Tượng Thần Vishnu Gò Thành (Niên đại: Thế kỷ VI - VIII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang); Cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn Tháp Mẫm (Niên đại: Giữa thế kỷ XIII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định)...
Trong Quyết định công nhận bảo vật quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có bảo vật quốc gia; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo