Tin tức - Sự kiện

Nghe ca Huế bị... chặt chém

Nhiều doanh nghiệp vận tải du lịch đã và đang câu kết với các cơ sở lưu trú “chặt chém” du khách nghe ca Huế trên sông Hương bằng cách đẩy giá vé lên cao.

Mới đây, trong chuyến vào Huế du lịch, 4 người của gia đình anh Lại Minh Tuấn (Hà Nội) lưu trú tại khách sạn Nhật Tường (12 Nguyễn Thái Học, TP.Huế). Tại đây, biết gia đình anh Hà có nhu cầu nghe ca Huế trên sông Hương, nhân viên khách sạn đã bán vé cho gia đình anh, mỗi vé 80.000 đồng.

 

Khi ra bến thuyền Tòa Khâm để xuống thuyền nghe ca Huế, thấy vé nghe ca Huế ở đây chỉ có giá 40.000 đồng/vé, anh Hà mới ngã ngửa vì biết mình bị “chặt chém”.

 

“Vé của khách sạn bán chỉ là tờ giấy nhỏ viết tay, chứ không phải được in và có con dấu. Chúng tôi bị “chặt chém” trắng trợn quá!”- anh Hà bức xúc.

 

Đây chỉ là một trong số hàng loạt câu chuyện “chặt chém” du khách bằng cách “hô biến” giá vé nghe ca Huế trên sông Hương trong thời gian qua.

 

Để làm rõ hơn thực trạng này, PV NTNN đã trực tiếp đến nhiều khách sạn trên địa bàn TP.Huế tìm hiểu. Tại khách sạn Nhật Tường, nhân viên lễ tân cho biết, từ trước đến nay khách sạn đều bán vé nghe ca Huế trên sông Hương với giá 80.000 đồng/vé. Tại nhiều khách sạn khác, vé nghe ca Huế được bán dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/vé.

 

Theo tìm hiểu của NTNN, vé nghe ca Huế hiện được bán tại nhiều khách sạn trên địa bàn TP.Huế là vé “chui”, tức không phải do cơ quan có thẩm quyền ấn hành. Các khách sạn này câu kết với các doanh nghiệp vận tải du lịch đưa du khách lưu trú tại cơ sở mình đi nghe ca Huế sông Hương và tự áp đặt giá vé, thường là cao gấp đôi mức quy định.

 

Một phụ nữ làm việc tại thuyền ca Huế TTH-0100 cho biết, để thuyền luôn đông khách, bà phải liên kết làm ăn với các khách sạn trên địa bàn TP.Huế. Mỗi khách, chủ thuyền chỉ thu 40.000 đồng, trong khi khách sạn bán 80.000 đồng/vé.

 

Theo ông Nguyễn Tấn Thưởng - Giám đốc Trung tâm Quản lý và tổ chức biểu diễn ca Huế, từ năm 2006 đến nay, trung tâm là đơn vị duy nhất được phép bán vé phục vụ nghe ca Huế trên sông Hương. Việc các doanh nghiệp vận tải du lịch kết nối với một số khách sạn bán vé thực chất là chỉ bán qua thỏa thuận bằng miệng chứ không in vé.

 

Trước đây, trung tâm cũng từng có ý kiến về tình trạng này nhưng một số cơ quan chức năng lại “khoanh tay” vì muốn tạo điều kiện để chủ đò có thêm thu nhập (!?).

 

Trao đổi với NTNN, ông Cao Chí Hải - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, thừa nhận tình trạng giá vé ca Huế đang được các doanh nghiệp vận tải du lịch câu kết với các cơ sở lưu trú “hô biến” để trục lợi.

 

“Sắp tới, nếu phát hiện doanh nghiệp vận tải in vé chui, tăng giá vé thì sẽ kiểm điểm và buộc dừng hoạt động một thời gian. Cơ sở lưu trú vi phạm cũng sẽ bị xử lý theo luật”- ông Hải nói.

 

 

 

Theo Dân Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo