Nghẹn lòng câu chuyện về nghĩa trang đặc biệt của 7.000 hài nhi
Ngày 19-1-2009, bà Nguyễn Thị Hường (59 tuổi, ngụ tại Giáo xứ Thanh Xuân, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc) phát hiện một túi xách ai đó để ở đống rác bên đường. Bên trong túi xách là một trẻ sơ sinh đã chết.
Sau phút bàng hoàng, bà Hường báo tin cho một số người khác đem cháu bé về chôn cất trên phần đất của một cơ sở tôn giáo. Cũng từ đó, mỗi khi hay tin phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tử vong ở đâu là bà Hường lại tới đem về chôn cất. Chính bà Hường và những người trong nhóm hoạt động từ thiện cũng không ngờ, số lượng trẻ bị cha mẹ bỏ rơi dẫn đến tử vong lại nhiều đến vậy.
Bà Hường nghẹn lòng kể lại: “Có lần đang đi trên đường, tôi thấy một con chó đang loay hoay cắn xé một thứ gì đó, khi lại gần mới thấy thi thể của một bé trai sơ sinh. Chứng kiến cảnh tượng, tôi như rụng rời chân tay, thương xót vô cùng. Sinh linh ấy tuy không nói được ra lời, không thốt lên thành tiếng, nhưng đã có chân tay, khuôn mặt, thành hình người, vậy mà người làm cha, làm mẹ đã đang tâm vứt bỏ em”.
Đặc biệt, khi bà Hường tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng 2 thì được các bác sĩ cho biết, có rất nhiều ca nạo phá thai, trong đó có không ít ca thai nhi đã thành hình hài. Vậy là mỗi khi có người nạo hút thai, nhận được điện thoại của các y, bác sĩ, bà Hường lại tức tốc đến đưa những hài nhi về nghĩa trang chôn cất, xây mộ.
Mỗi ngày trôi qua, số lượng hài nhi hoặc trẻ sơ sinh bị cha mẹ từ bỏ đến chết được đưa về nghĩa trang đặc biệt này tăng lên rất nhanh. Một số người dân trong vùng đã tự nguyện đến đây chăm sóc, hương khói cho những sinh linh bé bỏng bất hạnh không cha mẹ, người thân.
Ông Trần Đức Hoan, một người trong nhóm cho biết, ông bắt đầu công việc nhặt xác hài nhi từ sự đồng cảm với việc làm của bà Hường.
“Điều đáng buồn hơn, vài năm gần đây nhiều ông bố, bà mẹ nhẫn tâm từ bỏ con mình vừa sinh đã đem đến bỏ ở khu vực nghĩa trang này. Để phát hiện ra các cháu bé kịp thời, hằng đêm tôi đều rong ruổi khắp nơi mong tìm thấy những đứa trẻ xấu số bị bỏ rơi khi chưa bị chết” - ông Hoan cho biết.
Những hài nhi được đưa về đây chôn cất ngày một nhiều, đồng hành với bà Hường, ông Hoan nay có thêm ông Trần Văn Hy. Bất kể ngày hay đêm, mỗi khi nhận được điện thoại của bệnh viện hoặc người dân báo phát hiện trẻ sơ sinh dù đã chết hay còn sống, những người trong nhóm đều tức tốc lên đường.
Bây giờ, nghĩa trang đặc biệt này được ông Hoan và ông Hy trông nom, lo hương khói, dọp dẹp. Bà Hường cùng gần 10 người khác lo chăm sóc hơn 70 đứa trẻ tại Mái ấm Tín Thác, bị gia đình bỏ rơi khi vừa sinh ra nhưng may mắn được người dân phát hiện kịp thời.
Ông Hoan kể cho chúng tôi câu chuyện đã xảy ra cách đây 4 năm, hiện vẫn còn ám ảnh ông. Ông cảm thấy day dứt, có lỗi khi bất lực không khuyên ngăn được người mẹ giữ lại sự sống cho thai nhi chưa kịp chào đời.
Đó là vào năm 2012, một người mẹ trẻ ở xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc có chồng đi làm xa ở Bình Phước, do không thể liên lạc với chồng, người phụ nữ này cho rằng người chồng đã bỏ rơi mình nên quyết định đi phá cái thai trong bụng khi đó đã gần 4 tháng tuổi.
Hay tin, ông Hoan đã tới khuyên ngăn, động viên người mẹ giữ lại đứa trẻ nhưng rồi vô vọng. “Chính tay tôi đã chôn cất cho hài nhi xấu số ấy” - ông Hoan buồn bã kể lại. Điều bất hạnh hơn, không lâu sau, chồng của người phụ nữ nọ đi làm xa về, biết chuyện, anh ta đã la mắng vợ và chạy ra nghĩa trang ôm mộ con mà khóc.
Chỉ từ năm 2009 đến nay, những người trong nhóm của bà Hường đã đưa về nghĩa trang đặc biệt này chôn cất khoảng 7.000 hài nhi và trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi đến chết. “Điều khiến mọi người trong nhóm buồn nhất là tỉ lệ nạo phá thai năm sau thường cao hơn năm trước. Những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, tử vong cũng nhiều hơn. Chúng tôi rất lo lắng!...” - bà Hường buồn bã nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo