Quốc tế

Nghèo ở nước giàu

Tưởng nghịch lý song đó là thực trạng tại các quốc gia phát triển khi kết quả nghiên cứu của ILO cho thấy tỷ lệ nghèo khổ đang tăng cao tại những quốc gia vốn được xem là giàu có trên thế giới hiện nay.

Trong kết quả nghiên cứu năm 2012 về thị trường lao động công bố ngày 15/5, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, gần đây, tình trạng nghèo khổ gia tăng không còn là vấn đề của riêng các nước đang phát triển mà đã trở thành nỗi lo ngại ở các nước phát triển.

 

Theo tổ chức này, từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ năm 2008, tỷ lệ nghèo khổ đã giảm mạnh ở 75% các nước đang phát triển song lại đang tăng lên ở 25 nước trong số 36 nước phát triển.



Tỷ lệ nghèo khổ tăng ở các nước phát triển là hậu quả của thị trường lao động tồi tệ và chính sách kinh tế khắc khổ được thúc đẩy ở các nước phát triển. Trong khi đó, nhờ thực hiện chính sách xã hội thích hợp, tỷ lệ người nghèo khổ thoát nghèo đã tăng nhanh ở các nước đang phát triển, trong đó các nước đang phát triển ở châu Á và Mỹ Latin đang rất thành công cả về giảm tỷ lệ đói nghèo và thúc đẩy chuyển đổi xã hội.


 
Chính sách kinh tế khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” tại nhiều quốc gia phát triển đã làm tăng vọt tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn thế giới đến năm 2011 khoảng 6,1%, tương đương 203,3 triệu người, và theo thống kê từ năm 2007 thì hơn một nửa số người thất nghiệp là thuộc các nước công nghiệp phát triển và Liên minh châu Âu (EU). 



ILO dự báo, tỷ lệ thất nghiệp của thế giới sẽ tăng lên 6,2% vào năm 2013, tức là sẽ có thêm 5 triệu người mất việc. Tổ chức này cảnh báo, xu thế này đặc biệt đáng lo ngại tại các nước phát triển ở châu Âu, nơi gần 2/3 số quốc gia đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hàng năm kể từ năm 2010. 


Không chỉ gia tăng tỷ lệ thất nghiệp dẫn đến gia tăng tỷ lệ nghèo đói mà các nước phát triển cũng đang phải đau đầu trước sự chệnh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.

 

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thu nhập trung bình của 10% dân số giàu nhất tại các nước phát triển hiện này bằng khoảng 9 lần thu nhập của 10% dân số nghèo nhất và khoảng cách này đã tăng đáng kể từ giữa những năm 1980.



Chênh lệch giàu nghèo gia tăng tại các nước phát triển phần lớn là do thu nhập của những người nghèo tăng rất chậm. Mỹ là một trong số 4 nước có mức độ bất bình đẳng thu nhập cao nhất trong số 29 nền kinh tế của OECD với thu nhập của 10% số người nghèo nhất chỉ tăng 0,5%/năm và tỷ lệ này xem ra còn có thể chậm hơn nữa khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức cao kỷ lục trên dưới 8% hiện nay.


Nghiên cứu của ILO cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp tăng tại các nước phát triển có thể dẫn đến tình trạng nghèo khổ xuyên thế hệ, trong đó cha mẹ chuyển nghèo khổ cho thế hệ con cháu. Đặc biệt, ILO nhấn mạnh, việc thanh niên đang chiếm tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở các nước phát triển là nhân tố hàng đầu dẫn đến nghèo khổ xuyên thế hệ.



Nghèo khổ cùng chênh lệnh giàu nghèo gia tăng cũng dẫn tới những bất ổn xã hội tại nhiều quốc gia giàu có của thế giới. Trong đó điển hình là phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall” khởi phát ở Mỹ mùa thu năm 2011 đã lan rộng ra nhiều nước đang phát triển, có nơi bùng phát thành bạo động.

 

 

Theo ANTĐ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo