Tin tức - Sự kiện

Nghèo thêm vì viện phí

Phần lớn người nghèo đang phải chịu gánh nặng chi phí về y tế. Hiện chi trả cho dịch vụ y tế từ tiền túi người dân vẫn chiếm gần 50%

Hội nghị về tài chính y tế hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân đã được Bộ Y tế và Hội Khoa học kinh tế  y tế  tổ chức ngày 27-11 tại Hà Nội. Nguy cơ bệnh viện công tư nhân hóa khi chạy theo xã hội hóa và gánh nặng viện phí đã được đề cập tại hội thảo.

 

Công - tư lẫn lộn

 

Theo ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), xã hội hóa y tế đã giúp ngành y tế phát triển, đến năm 2011 đã có khoảng 65.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và 133 bệnh viện tư nhân hoạt động. Khối y tế tư đã cung cấp 43% dịch vụ ngoại  trú và  hơn 2% tổng dịch vụ nội trú cho người dân. Trong các bệnh viện công, đã ra đời các khoa khám bệnh theo yêu cầu, khám “dịch vụ”, “tự nguyện”, “chất lượng cao”. Ông Tuấn cho rằng các hình thức này giúp người bệnh có khả năng chi trả tiếp cận được các dịch vụ tốt hơn, được chăm sóc tốt hơn, được lựa chọn bác sĩ, phẫu thuật viên và đặc biệt là tránh phiền hà, giảm chờ đợi và đặc biệt là  không phải đưa “phí ngầm”, “phong bì”.

“Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ đáp ứng người có khả năng chi trả. Thực chất đây là hình thức dịch vụ của tư nhân trong bệnh viện công. Do vậy, các “khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu” hay “tự nguyện” dễ trở thành “sân sau” của chính các bệnh viện công, dẫn đến tiêu cực trong sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho các hoạt động tư. Hơn nữa, việc tăng thu nhập của bệnh viện bằng việc mở rộng các “dịch vụ theo yêu cầu”, “dịch vụ chất lượng cao” trong quá trình tự chủ nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến tăng nguồn chi trả trực tiếp, lạm dụng dịch vụ…” - ông Tuấn lo ngại.

Ông Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Kinh tế y tế, cho rằng nên có cơ chế tách bạch để người dân không bị phân biệt đối xử ngay trong môi trường bệnh viện. Tự chủ tài chính trong bệnh viện cần minh bạch, tránh nhập nhèm công - tư. Một số ý kiến khác cũng bày tỏ cần rạch ròi công - tư, khuyến khích xã hội hóa y tế nhưng phải “ngoài khuôn viên” của bệnh viện công.

 

Rơi vào “bẫy nghèo” do viện phí

 

GS-TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết với cơ chế tài chính hiện tại, chi trả dịch vụ y tế từ tiền túi của bệnh nhân vẫn chiếm đến 49%. Đây là nguyên nhân khiến người dân bị rơi vào “bẫy nghèo” sau một trận ốm nặng, kéo dài. Cũng theo GS Hùng, mức chi trả từ tiền túi người bệnh chiếm khoảng 20% - 30% tổng chi y tế sẽ là hợp lý và sẽ giảm nguy cơ rơi vào “bẫy nghèo” do viện phí.

Một số chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng bệnh tật, ốm đau thực sự trở thành gánh nặng kinh tế trong cuộc sống, nhất là với người nghèo nên họ ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao. Phần lớn họ chỉ dám sử dụng các dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Điều tra trước đó cũng cho thấy số người nghèo sử dụng dịch vụ nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh là 23%, trong khi người giàu là 51%. Tại các bệnh viện lớn ở Trung ương, chỉ có 3,9% người nghèo sử dụng các dịch vụ y tế. Không chỉ tiếp cận dịch vụ y tế ở mức thấp mà gánh nặng chi phí y tế dồn lên vai người nghèo nặng nề nhất trong các nhóm dân cư. Có tới gần 60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh và 67% phải vay mượn tiền để chi trả điều trị nội trú.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng nhìn nhận ảnh hưởng của chi trả viện phí sau một đợt điều trị nội trú ngoại khoa ở tuyến Trung ương hoặc tuyến tỉnh; điều trị nội khoa ở tuyến Trung ương sẽ lập tức đẩy hộ gia đình cận nghèo, người không được chi trả BHYT hoặc nguồn chi trả gián tiếp khác xuống “bẫy thảm họa” do chi trả y tế. Theo ông Khuê, hiện tỉ lệ sử dụng dịch vụ y tế ở nhóm người nghèo thấp hơn nhóm người giàu từ 2,5 - 4,5 lần.
GS Trương Việt Dũng, Đại học Y Hà Nội, cho rằng cần tăng cường độ bao phủ BHYT cho người dân, giảm tình trạng tự chi trả từ tiền túi. “Hiện người bệnh vẫn phải chi các khoản thuốc ngoài danh mục và các chi phí gián tiếp như đi lại khám chữa bệnh, ăn ở, chi phí cho người chăm sóc. Bên cạnh đó quy định cùng chi trả 5% ở nhóm người nghèo có thẻ BHYT có thể gây khó khăn về tài chính cho họ” - ông Dũng nhận định.

Theo ông Phạm Lê Tuấn, hiện đầu tư y tế từ ngân sách tại Việt Nam trung bình 75 USD/người/năm, thấp hơn khoảng 20 lần so với Singapore (1.404 USD/người/năm) và thấp hơn Thái Lan 2 lần. Mức chi này chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Người Lao Động)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo